Business Insider: "Có ai đó" ở Đông Á đang lén lút thải khí cấm làm thủng tầng Ozone!

Hoa Hướng Dương |

Mới đây, một nghiên cứu của NOAA đã chỉ ra rằng, lượng khí thải CFC vốn đã bị cấm từ Nghị định thư Montreal (1989) bỗng nhiên quay trở lại.

Một tin xấu cho những ai quan tâm đến môi trường (cụ thể là lỗ hổng tầng ozone). Tỷ lệ CFC-11 trong khí quyển bắt đầu tăng trở lại mà thủ phạm là một nước nào đó trong khu vực Đông Á đã vô tình hay cố ý sản xuất và làm rò rỉ loại khí đã bị cấm trên toàn cầu này.

Nghị định thư Montreal về việc cấm các khí thải gây thủng tầng ozone

Đã 31 năm trôi qua kể từ khi Nghị định thư Montreal được ký kết nhằm ngăn cấm việc sử dụng, sản xuất hay thải ra các chất làm suy giảm tầng ozone, thậm chí cả chất được cho là chất hóa học hữu ích nhất con người từng phát minh ra: CFCs.

Theo định nghĩa của NOAA, CFCs là từ viết tắt của Chlorofluorocarbons, là các hóa chất không cháy có chứa các nguyên tử cacbon, clo và flo. Nhiều CFC đã được sử dụng rộng rãi như là trong máy làm lạnh, chất đẩy (trong các ứng dụng bình xịt), và dung môi.

Chúng được sử dụng rất rộng rãi và được xem là một trong các chất khí có ích nhất mà con người tạo ra, hơn nữa chúng rất dễ kiểm soát, là chất dập lửa mạnh mẽ và (theo suy nghĩ ban đầu) thì rất an toàn, không độc hại.

Phải đến khi các nhà khoa học phát hiện ra CFC chính là thủ phạm "ăn mòn" tầng ozone bảo vệ Trái Đất, đặc biệt ở vùng khí quyển Nam Cực thì con người mới bắt đầu cấm việc sản xuất, sử dụng và thải khí này (Nghị định thư Montreal, năm 1989).

Thay vào đó, người ta sử dụng các sản phẩm khác như chất trợ nở hydrofluorocarbon (HFC), ví dụ như R-410A và R-134a là những chất không gây hại cho tầng khí quyển như CFC.

Business Insider: Có ai đó ở Đông Á đang lén lút thải khí cấm làm thủng tầng Ozone! - Ảnh 1.

Nghị định thư Montreal là 1 hiệp ước quốc tế được 196 quốc gia phê duyệt. Ảnh: The New Times

Tuy vậy, dù Nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 1989 nhưng phải đến năm 2010, việc sản xuất khí CFC mới được cho là hoàn toàn biến mất trên phạm vi toàn thế giới và đó cũng chưa phải là dấu chấm hết cho loại khí này.

Business Insider: Có ai đó ở Đông Á đang lén lút thải khí cấm làm thủng tầng Ozone! - Ảnh 2.

Khí CFC gây thủng tầng ozone ở Nam Cực. Ảnh: Dnews

Dù Nghị định có hiệu lực mạnh mẽ nhưng không phải hoàn toàn 100% vì bằng cách nào đó, người ta vẫn có thể mua loại khí này ở chợ đen, chỉ là với giá rất cao mà thôi. Sẽ không có gì đáng nói vì chỉ đây là con số vô cùng nhỏ.

Thủ phạm thải khí CFC - 11?

Tỷ lệ khí thải CFC vẫn giảm xuống một cách đáng kể, tới năm 2012 thì tỷ lệ này đã ở mức dưới 50%. Thế nhưng tới giai đoạn 2014 - 2016 thì khí thải này lại tăng nhanh một cách bất thường (tăng lên 25% mức trung bình trong khí quyển ở giai đoạn 2002 - 2012).

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature còn chỉ ra rằng thủ phạm không ai khác chính là một loại khí CFC đặc biệt có tên CFC - 11 (Trichlorofluorometan).

Business Insider: Có ai đó ở Đông Á đang lén lút thải khí cấm làm thủng tầng Ozone! - Ảnh 4.

Khí thải CFC lại tăng lên bất thường. Ảnh: NOAA

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Stephen Montzka nghiên cứu tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ - NOAA) cho biết: "Đây là những gì đang diễn ra và nó khiến chúng ta cách xa mục tiêu khôi phục tầng ozone".

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận việc tăng trở lại của loại khí CFC trong khí quyển, sự hiện diện của nó là vô cùng rõ ràng, trái lại nguồn gốc của nó thì lại vô cùng bí ẩn!

Montzka cho rằng việc này chứng tỏ "ai đó" đã tái sản xuất loại khí cấm này và "nó được tạo ra cho một vài mục đích đặc biệt hay do vô ý từ 1 quá trình sản xuất hóa học khác". NOAA còn cho rằng thủ phạm là quốc gia nào đó ở Đông Á.

Business Insider: Có ai đó ở Đông Á đang lén lút thải khí cấm làm thủng tầng Ozone! - Ảnh 5.

Thủ phạm phát thải khí CFC - 11 vẫn nằm trong bóng tối. Ảnh: IBTimes Singapore

Việc tập trung mật độ loại khí CFC ở khí quyển bán cầu nam nhiều hơn bán cầu bắc chính là lý do mà NOAA có thể tin rằng "đâu đó ở Đông Á" chính là nơi phát sinh loại khí cấm.

Nghiên cứu cho biết: "Sự tăng lên của khí thải CFC -11 có vẻ không liên quan tới các quá trình sản xuất trong quá khứ, điều này cho thấy nó xuất hiện trong một quá trình sản xuất mới chưa được báo cáo".

Montzka cũng cho biết rằng còn rất nhiều điều phải làm để tìm ra nguyên nhân khí CFC - 11 tăng lên cũng như hành động ứng phó kịp thời trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghị định thư Montreal là 1 hiệp ước quốc tế được 196 quốc gia phê duyệt về các chất làm suy giảm tầng ozone (một nghị định thư của Công ước Vienna về bảo hộ của các tầng ozone), có hiệu lực từ năm 1989.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là Kofi Annan từng nói rằng "có lẽ thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay đã đạt được trên thế giới là Nghị định thư Montreal" và dự kiến nếu các quốc gia đều tôn trọng thỏa thuận thì tới năm 2050, tầng ozone ​sẽ phục hồi.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Fortune, Theguardian, Businessinsider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại