Bước sang giai đoạn 2, Mỹ có vũ khí gì để đối phó với Trung Quốc?

Thế giới & Việt Nam |

Các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu, hạn chế đầu tư và trừng phạt có thể được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo của thương chiến Mỹ-Trung, theo dự báo của tờ Foreign Policy.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của chính quyền Trump với Trung Quốc có thể đánh dấu kết thúc giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có thực hiện các cam kếttheo thỏa thuận, không có nghĩa là sự cạnh tranh trên quy mô lớn hơn giữa hai cường quốc sẽ kết thúc.

Tờ Foreign Policy nhận định, thỏa thuận này sẽ đánh dấu sự xoay trục sang giai đoạn 2 của cuộc cạnh tranh kinh tế, mà trong đó vũ khí được sử dụng sẽ là các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu, hạn chế đầu tư và trừng phạt chứ không phải là thuế quan.

Từ vụ việc Huawei

Trong 2 năm qua, Washington đã âm thầm xây dựng một cơ chế pháp lý và điều tiết cho chiến dịch này. Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã ban hành đạo luật nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu các công nghệ mới, như người máy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, và đẩy mạnh việc xem xét lại hoạt động đầu tư nước ngoài ở Mỹ.

Tháng 11/2019, chính quyền Trump và Quốc hội đã thực hiện các bước đi nhằm cản trở công ty Mỹ sử dụng thiết bị mạng viễn thông của Trung Quốc ở Mỹ. Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận ở Washington về việc bổ sung các biện pháp hạn chế quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, như hạn chế các khoản đầu tư của quỹ hưu trí liên bang Mỹ vào Trung Quốc.

Ví dụ nổi bật nhất là chiến dịch kéo dài 1 năm của Mỹ nhằm vào tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei. Chiến dịch này đã mang lại những bài học quan trọng cho Mỹ khi nước này chuyển từ cách tiếp cận tập trung vào đánh thuế sang các công cụ ép buộc có mục tiêu.

Huawei là điển hình của thách thức mà Trung Quốc gây ra cho Mỹ. Tập đoàn công nghệ này đang dẫn đầu trong lĩnh vực viễn thông 5G – công nghệ di động thế hệ tiếp theo tạo đà cho sự phát triển của các ngành công nghiệp như xe tự lái hay hệ thống chữa bệnh từ xa tiên tiến…

Vai trò lãnh đạo của Huawei trong lĩnh vực 5G có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong việc phát triển toàn bộ các ngành công nghiệp mới, đồng thời gây ra rủi ro an ninh quốc gia khi có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp và tấn công mạng của Trung Quốc.

Trong năm qua, Washington đã ứng phó với thách thức Huawei bằng chiến dịch gây sức ép theo nhiều hướng. Các quan chức Mỹ đã cáo buộc công ty này vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và quyền sở hữu trí tuệ của nước này.

Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ ban hành quyết định hạn chế bán các sản phẩm do Mỹ sản xuất cho công ty này. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao cứng rắn nhằm thuyết phục các đồng minh của Mỹ ngăn chặn thiết bị của Huawei tham gia các mạng viễn thông mới, và chính quyền Trump đe dọa sẽ hạn chế chia sẻ tin tức tình báo với những nước cho phép Huawei tham gia mạng 5G.

Có nguồn tin cho biết chính quyền Trump đang xem xét ban hành thêm các biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ với Huawei thông qua các công ty con của họ ở nước ngoài.

Chiến dịch ngoại giao của Chính quyền Trump nhằm vào thiết bị viễn thông 5G của Huawei đã bắt đầu tạo được đà. Mỹ đã thuyết phục Australia, Nhật Bản và New Zealand không cho Huawei tham gia mạng viễn thông 5G của các nước này.

Sự can dự về ngoại giao và các chiến dịch quan hệ công chúng ở châu Âu đã khiến các đồng minh như Đức, Anh, Italy và Ba Lan tiếp tục trở lại cuộc tranh luận về việc liệu có cho phép thiết bị của Huawei tham gia mạng 5G hay không, điều mà ít nhất cũng có khả năng dẫn đến việc giới hạn thiết bị của Huawei ở vai trò chỉ là thành phần không chủ chốt trong mạng 5G.

Bài học cho nước Mỹ

Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần rút ra ít nhất 4 bài học từ những kết quả ban đầu của chiến dịch của nước này nhằm vào Huawei.

Bước sang giai đoạn 2, Mỹ có vũ khí gì để đối phó với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chiến dịch ngoại giao của chính quyền Trump nhằm vào thiết bị viễn thông 5G của Huawei đã bắt đầu tạo được đà. (Nguồn: AP)

Thứ nhất là cần phải lên kế hoạch tốt hơn trong việc triển khai các biện pháp ép buộc kinh tế đối với Trung Quốc. Huawei có thể tránh được thiệt hại do các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ gây ra một phần vì chính quyền Trump đã báo trước, cho phép Huawei dự trữ lượng linh kiện của Mỹ đủ dùng trong 1 năm.

Điều đó giúp công ty này có thời gian để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của mình thậm chí sau khi các biện pháp hạn chế được áp dụng, và các nhà cung cấp nước ngoài đã nhanh chóng tiến tới lấp đầy chỗ trống cho dù Washington yêu cầu họ phải cắt giảm lượng hàng bán ra.

Thứ hai là về tầm quan trọng của ngoại giao. Ban đầu, chiến dịch ngoại giao của chính quyền Trump đã bị cản trở do bất đồng nội bộ về việc nên thu hẹp mục tiêu vào những quan ngại về 5G hay mở rộng mục tiêu ra toàn bộ hoạt động kinh doanh của Huawei.

Thứ ba là cần phải phát triển các sản phẩm có khả năng thay thế hàng hóa Trung Quốc. Các đối thủ cạnh tranh như tập đoàn Ericsson của châu Âu thường không đưa ra kiểu giải pháp tích hợp đầy đủ như Huawei và đòi hỏi mức phí trả trước cao hơn.

Bài học cuối cùng rút ra từ chiến dịch của Mỹ là cần phải xem xét những hậu quả không lường trước trong dài hạn từ việc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế chống lại Trung Quốc.

Các công ty công nghệ Mỹ ngày càng quan ngại rằng những biện pháp hạn chế trong dài hạn đối với việc bán hàng hóa cho Huawei, cụ thể là các linh kiện mà Huawei có thể mua từ những nước khác, sẽ chỉ khuyến khích việc chuyển các hoạt động phát triển công nghệ sang Trung Quốc – một thị trường rộng lớn hơn so với Mỹ trong lĩnh vực vi mạch máy tính và các thiết bị điện tử khác – và những nơi khác, điều mà cuối cùng lại làm suy giảm tính cạnh tranh của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại