Hồ Khanh, người tìm ra Sơn Đoòng, hàng năm vẫn đi rừng vì niềm tin rằng Quảng Bình còn rất nhiều hang động chưa khai phá hết để phát triển du lịch.
Ông Hồ Khanh (ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là người đạp rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, phát hiện rất nhiều hang động kỳ vĩ. Trong đó có hang động tự nhiên lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Hiện tại, ông Hồ Khanh vẫn tiếp tục là một phần của Sơn Đoòng với vai trò quản lý, tuyển dụng và đào tạo porter (nhân viên khuân vác). Ông cũng tham gia các chuyến giám sát, kiểm tra công tác vận hành đội ngũ phục vụ hàng năm.
Tuy nhiên, ít ai biết về cuộc đời chìm nổi của ông...
Người lâm tặc nợ ơn rừng
Hồ Khanh mồ côi cha từ khi 13 tuổi. Gia đình thuộc dạng nghèo khó như bao nhiêu gia đình nghèo khác ở vùng Phong Nha. Nhà đông anh em nên Hồ Khanh chỉ học hết lớp 6.
Năm 18 tuổi (thời hòa bình sau 1975), trong ký ức của Hồ Khanh là những năm tháng cuộc sống vô cùng bấp bênh. Khi ấy, những thanh niên làng như Hồ Khanh có sức là tự do đi rừng, ăn ở và kiếm sống cũng nhờ rừng. Người thì tìm trầm hương dù cả tháng không gặp một cây, người thì khai thác gỗ hoặc thu nhặt vỏ bom, đạn còn sót lại từ chiến tranh.
Ông Hồ Khanh, người lâm tặc có nợ với rừng. Ảnh: Alesha
Ngày ấy người làng ai cũng vất vả lo cái nghèo khó, đâu ai biết những ảnh hưởng mình gây cho rừng. Cũng chưa bao giờ nghĩ được, có một ngày vùng đất xa lắc xa lơ, toàn rừng nguyên sinh này lại có người đến du lịch.
Sau giai đoạn 1986-1991, khi khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng được thành lập rồi mở rộng, những người dân bao năm lấy gỗ của rừng mới biết đến và hiểu thế nào là "lâm tặc". Họ, trong đó có ông Hồ Khanh, trở về kiếm đất làm nông, nhiều người tìm đến các thành phố lớn kiếm sống.
Nhưng cái khổ vẫn chưa thôi bám lấy ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Son. Hồ Khanh mượn sào đất của chị gái để cấy lúa, trồng khoai và nuôi thêm dê. Bão lũ kéo về Quảng Bình hàng năm khiến ông bao lần mất trắng. Bể nợ, ông phải bán hết máy móc, rồi làm lại.
Duyên phận với Sơn Đoòng
Suốt hơn 10 năm đi rừng, Hồ Khanh đi qua hàng chục hang động lớn nhỏ của Phong Nha, phần lớn số đó sau này đều được đưa vào khai thác du lịch như hang Én, động Thiên Đường... Dân làng vẫn biết đến ông như một người giỏi đi rừng.
Năm 1990, Hồ Khanh đi xuyên qua khu vực hang Én, đến chiều thì gặp hang Sơn Đoòng. Anh nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi xuống độ sâu 100m trong hang Sơn Đoòng, trong đó có suối lớn, suối chảy ầm ầm, phải người có bản lĩnh mới xuống được. Tôi xuống múc nước uống. Biết là hang lớn nhưng chỉ nghĩ lớn so với trong khu vực chứ không nghĩ là lớn nhất thế giới. Lúc đó chỉ gọi là hang Đoòng vì người dân địa phương gọi vùng đất đó là Đoòng. Sau này khi khám phá ra mới có thêm chữ Sơn. Tôi sống với vùng này quá lâu, nên khi quay lại mình biết nằm gần hang Én”.
Ông Hồ Khanh (phải) chụp ảnh cùng chuyên gia Howard Limbert trong chuyến đi rừng năm 2014. Ảnh: NVCC
Năm 2005, chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert đến gặp Hồ Khanh, để có thêm manh mối về hang động bí ẩn mà ông tìm kiếm suốt 10 năm qua.
Một tối nằm nghỉ trong hang Én, anh mới kể lại với ông bà rằng anh từng gặp một hang kỳ lạ nằm gần hang này. Ông Howard Limbert hỏi lại vì sao lạ? Hồ Khanh trả lời, vì có luồng gió lớn ở trong thổi ra, thấy hơi nước như mây mù, gió lớn lắm. Howard Limbert phán đoán đó là một hang lớn. Những năm 2006 - 2007, Hồ Khanh vào khu vực đó tiếp nhưng chưa thể nhớ ra vị trí chính xác của Sơn Đoòng.
Đến năm 2008, Hồ Khanh đi một chuyến 3 ngày và lần này anh đã tìm ra tung tích Sơn Đoòng. Sau đó, Hồ Khanh gọi điện cho người của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội thông báo kết quả. Năm 2009, vợ chồng ông Howard Limbert sang Việt Nam. “Ngày đầu tiên đến hang Én, ngày thứ hai đến hang Sơn Đoòng, tối trở ra thì đoàn nói ngay hang này có thể lớn nhất thế giới. Và họ hỏi: Anh có mừng không? Tôi miễn cưỡng trả lời mừng, vì nghĩ cả đời ai tới đó lại làm gì. Sau đó 1 tháng họ quay lại hang cùng người của Khoa Địa chất của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội và một nhà địa chất người Mỹ đo đạc chính thức để công bố”.
"Ông đã trở thành huyền thoại"
Năm 2011, trong lần gặp lại, ông Limbert khuyên Hồ Khanh làm homestay. Khi ấy, trăn trở vì không có vốn liếng, ông Khanh vẫn quyết tâm vay mượn để xây nhà rường 3 phòng bên bờ sông Son. Khi Sơn Đoòng ngày càng nổi tiếng trên thế giới, ông Khanh đón biết bao đoàn khách nghỉ tại homestay. Có người đến cũng để được gặp, trò chuyện, bắt tay với người tìm ra hang động lớn nhất thế giới.
Sau này, ông Khanh vay vốn mở rộng quy mô homestay trên mảnh đất khoảng 2.000 m2 do cha mẹ để lại. Còn đau đáu về khoản nợ "kẹt" ở ngân hàng, ông vẫn mở bãi tắm miễn phí cho khách phía sau nhà. Có nhiều người đến tắm nhưng không thuê phòng, vợ chồng ông Khanh vẫn vui vẻ đón tiếp.
Bên trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Thanh Niên
Với ông, điều thay đổi lớn nhất của mình và người làng sau khi làm du lịch là đời sống đỡ vất vả hơn nhiều. Ông Khanh có điều kiện cho 2 con trai theo học trường ngoại ngữ của tỉnh, còn con gái lớn giúp mẹ làm homestay. Khi không còn lo về cái nghèo, nhận thức ngày càng cao là thay đổi thứ hai. Thay vì đi rừng theo bản năng, người làng nay biết bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên rừng, vì đây là "tài sản vốn quý chung".
Hiện ông Khanh là đội trưởng đoàn 125 porter trong tour Sơn Đoòng. Mỗi năm, ông xin phép tỉnh để đi rừng 10-12 ngày, vì niềm tin rằng Quảng Bình còn rất nhiều hang động chưa khai phá hết để phát triển du lịch, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Hồ Khanh nhớ như in hình ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xuống máy bay tại hang Én. “Lúc đó, qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Châu Á (Giám đốc Công ty Oxalis), Phó thủ tướng đã bắt tay tôi và nói: Ông đã trở thành người huyền thoại”.