Bất kỳ ai, dù mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ yếu lòng trước những cơn mưa. Cơn mưa đi kèm nỗi nhớ, và cả những giọt nước mắt.
Bạn biết đấy, cảm giác sẽ còn tệ hơn với một đứa trẻ 10 tuổi chưa sẵn sàng bước ra thế giới. Để theo đuổi giấc mơ, nó buộc dấn thân. Và thứ phải chiến đấu trước tiên chính là nỗi nhớ nhà, những cơn mưa đêm.
Thật khó để đếm bao nhiều lần cậu bé Bùi Hoàng Việt Anh khóc trong điện thoại với mẹ, tiếng nấc hòa lẫn tiếng mưa, rằng mẹ ơi con nhớ mẹ lắm. Những khi ấy mẹ của Việt Anh, bà Nguyễn Thị Thắm, lại ân hận vì đồng ý cho con theo nghiệp bóng đá. Bà biết bóng đá không phải con đường an toàn trong khi có vô số cách để lập nghiệp.
Rất nhiều đêm hai mẹ con cùng khóc và cũng không ít đêm bà Thắm đi xe từ Đông Hưng lên trường năng khiếu TDTT Thái Bình chỉ để ôm con ngủ, sau đó ra về trước khi trời sáng.
Bố mẹ Việt Anh, ông Bùi Trọng Điểm và Nguyễn Thị Thắm. (Ảnh: Thanh Xuân)
Nỗi nhớ nhà là cuộc chiến dai dẳng trong nhiều năm. Ngay cả khi lên Hà Nội, nhịp sống gấp gáp cùng hương vị ít ngọt ngào của giọt nước mưa phố phường càng làm nỗi nhớ trở nên quay quắt. Thật may Việt Anh đã không phải chiến đấu một mình.
Bố mẹ vẫn sát cánh cùng anh. Họ biết đứa con trai nhút nhát và sống tình cảm không dễ để thích nghi với sự cô đơn. Họ cũng biết Việt Anh rất có khả năng. Thậm chí tốt nhất so với bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy hàng tuần, bố hoặc mẹ lại khăn gói lên Hà Nội. Chỉ đến khi gia đình gặp biến cố. Bố mẹ Việt Anh buộc phải rời bỏ quê hương vào Bình Dương, nơi một người làm bảo vệ, một người làm công nhân để trang trải nợ nần.
Trước đó, tuy gia đình không phải quá giàu có nhưng bố mẹ cũng không bao giờ để Việt Anh thiếu thốn. Đây là điều rất khác so với những câu chuyện điển hình về các cầu thủ bóng đá, thường xuất thân nghèo khó và bóng đá là lối thoát. Những năm tháng thơ ấu, bất cứ điều gì Việt Anh muốn bố mẹ đều có thể chu cấp. Những năm 2010, giá vàng liên tục tăng phi mã nhưng bố mẹ vẫn bù thêm tiền vào khoản thưởng ít ỏi Việt Anh có được từ giải Nhi đồng, mua chiếc sim năm sinh trị giá 7, 8 chỉ vàng.
Việt Anh trong màu áo CLB Hà Nội. (Ảnh: Trí Công)
Giờ thì khác. Tài sản bốc hơi, gia đình ly tán. Bão tố ập đến quá nhanh đủ để đánh sụp bất kỳ ai. Và khi ra đi, bố mẹ Việt Anh lo nhất là đứa con trai vốn luôn quấn mẹ, lúc nào cũng cồn cào nỗi nhớ nhà. Cả hai lo đến mức không dám cho con biết chuyện.
Nhưng họ đã nhầm. Việt Anh vẫn biết. Và sốc hơn, trong khi bố mẹ còn đang nghĩ cách trấn an con, thì đứa con mới 12 tuổi lại động viên ngược lại. “Bố mẹ cứ đi đi. Cứ an tâm về con. Con sẽ cố gắng để báo đáp bố mẹ sau này”, bà Thắm nghẹn ngào kể lại.
Khi bố mẹ nói về ý định bán nhà, Việt Anh buộc họ đổi ý, rằng phải giữ lại, bởi đó là căn nhà chứa đầy kỷ niệm, là dấu tích của những ngày tươi đẹp. Đến bây giờ căn nhà ấy vẫn còn nguyên dù không ai ở. (Sau này bằng tiền tiết kiệm và vay mượn bạn bè, Việt Anh đã mua một căn nhà trên Hà Nội, đón bố mẹ ra để tiện về chăm sóc).
Với không ít người, biến cố dẫn đến một cuộc khủng hoảng nặng nề. Không phải ai cũng chấp nhận sự thật và học cách thích nghi. Việt Anh thì khác. Cậu tìm thấy động lực những điều tồi tệ để trở thành một cầu thủ tốt hơn, và một con người tốt hơn.
Không còn những cuộc gọi đẫm nước mắt. Trong các cuộc điện thoại với bố mẹ trong Bình Dương, Việt Anh luôn tỏ ra mạnh mẽ. Và khi kết thúc, Việt Anh luôn nói “hai mẹ con mình cùng cố nhé”.
Cũng không còn là “công tử được nuông chiều”, Việt Anh học làm mọi thứ từ những điều nhỏ nhất. Bà Thắm vẫn không thể ngừng cười khi nói về lần gọi điện cho Việt Anh, từ đầu tối đến nửa đêm vẫn thấy anh chàng bảo đi giặt áo. Hỏi ra thì Việt Anh nói, không hiểu sao cứ mỗi lần giặt xong phơi lên, gió lại thổi bay làm con phải đi giặt lại. Cả thảy 5, 6 lần.
Tác giả và bố mẹ Việt Anh.
Cũng biết gia cảnh không còn được như xưa, Việt Anh sống đơn giản nhất có thể. Mọi khoản tiền tích góp được cậu dùng để mua vé máy bay vào thăm bố mẹ. Một lần nọ khi đã đủ tiền, Việt Anh nhờ chú đưa ra sân bay. Thế nhưng lại đến muộn. Xin đổi vé không được, cực chẳng đã, cậu đành vét những đồng còn lại trong túi để mua tấm vé khác. Tưởng đã xong, vậy mà không. Việt Anh lại trễ lần nữa với lý do chỉ anh chàng mới hiểu. May lần này, sau một hồi năn nỉ giải thích cậu bé 14 tuổi mới lên được máy bay.
Sự nghiệp của Việt Anh cũng lận đận không khác gì chuyện lên máy bay.
Ở các cấp độ đội trẻ, Việt Anh luôn nổi bật so với bạn bè cùng trang lứa và được các HLV đánh giá rất cao. Thế nên ông Bùi Trọng Điểm, bố của Việt Anh, càng tin tưởng cho con theo nghiệp bóng đá và tự hào về việc chọn cho con cái tên “Hoàng Việt Anh”.
Khi Việt Anh mới sinh ra, lựa chọn ban đầu là Bùi Nguyễn Việt Anh. Thế nhưng khi đi làm khai sinh, ông Điểm lại đổi từ Nguyễn thành Hoàng. “Hồi đó chú mê tiền vệ Trương Việt Hoàng quá, nhất là cú volley cháy lưới Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 1998 ở Mỹ Đình”, ông Điểm nói. Vậy nên mặc kệ vợ phản đối, ông vẫn cổ vũ Việt Anh lên trường Năng khiếu Thái Bình, sau đó là gia nhập lò đào tạo Hà Nội.
Bùi Hoàng Việt Anh mạnh mẽ trên sân cỏ và được tin tưởng đeo băng thủ quân (Ảnh: Như Ý, Trọng Tài, Trí Công)
Chỉ có điều Việt Anh giống như một người đi mãi mà không thấy đích. Từ năm 13 tuổi Việt Anh luôn được triệu tập vào các đội trẻ quốc gia, nhưng sẽ bị loại vào phút chót. Việc này lặp đi lặp lại nhiều đến mức ở những lần triệu tập sau, chính Việt Anh cũng không tin mình được ở lại. Có những lần nằm trong danh sách cuối cùng, vậy mà rắc rối vẫn cứ đến. Hộ chiếu trục trặc, Việt Anh nhìn đồng đội lên máy bay với hai hàng nước mắt.
Những điều đó không bao giờ Việt Anh kể vì sợ bố mẹ lo. Như bà Thắm chia sẻ, “Việt Anh bảo sợ nhất là thấy nước mắt của mẹ”. Ngay cả khi Việt Anh không thể tập luyện trong 8 tháng vì chấn thương, gia đình cũng không hay biết cho đến lúc được một phụ huynh trong đội thông báo, rằng “Việt Anh cứ đi vật vờ bên cầu môn trông tội lắm”. Điều may mắn là sau cuộc kiểm tra kỹ lưỡng sau đó, chấn thương không nặng như phán đoán ban đầu. Và Việt Anh trở lại với quyết tâm cao hơn nữa. Anh không thể bỏ cuộc bởi sau lưng là gia đình.
Đi chậm không quan trọng, miễn là không ngừng bước. Điều tốt đẹp luôn đến với người kiên trì. Cuối cùng Việt Anh cũng tìm được sự thừa nhận. Được gọi khẩn cấp lên tuyển vào ngày 28 Tết để chuẩn bị cho trận đấu với Trung Quốc (sau đó anh được ra mắt trong hiệp hai khi vào thay Đình Trọng), bố mẹ Việt Anh mừng bỏ cả đào quất.
Những giải thưởng, danh hiệu của Bùi Hoàng Việt Anh, bao gồm tấm huy chương Vàng SEA Games 31.
Rồi họ tiếp tục sống trong hạnh phúc ở SEA Games 31, giải đấu mà Những chiến binh Sao Vàng giành được tấm huy chương Vàng mơ ước. Trận chung kết với Thái Lan, Việt Anh cùng các đồng đội đã chiến đấu để cả đất nước phải tự hào.
Đêm ấy mưa to, nhưng đó là dòng thành quả ngọt ngào tưới lên khát vọng tuổi trẻ. Lần này người khóc là mẹ. Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc chảy dài, Việt Anh nói: “Con cố gắng vì mẹ, vì gia đình mà”.
Người ta nói thứ không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Qua quá nhiều thăng trầm, nếm đủ mọi biến cố và chịu đựng cả những khổ đau, bây giờ Việt Anh là một chàng trai đầy bản lĩnh và không gì có thể đánh bại, vừa bất khuất trên sân cỏ vừa kiên cường trong cuộc sống.
Vì vậy không ai xứng đáng hơn chàng trai người Thái Bình để mang tấm băng thủ quân U23 Việt Nam . Vào những lúc khó khăn nhất các cầu thủ biết phải dựa vào ai, tìm cảm hứng ở đâu để vượt qua và chiến thắng.