Trong quá trình trưởng thành của mình, trẻ em sẽ vướng phải rất nhiều vấn đề và có những vấn đề khiến cho phụ huynh phải lo lắng. trong đó, yêu sớm chính là một vấn đề khiến cha mẹ phải đau đầu.
Cho dù đang nuôi dạy con gái hay con trai, một khi đã biết con mình yêu sớm, cha mẹ nào cũng sẽ có cảm giác như "gặp phải đại quân của địch". Tuy nhiên, nhiều lúc cha mẹ chưa thực sự hiểu được con cái mình, họ cho rằng trẻ em không hiểu tình cảm là gì. Nhưng thực tế cho thấy trẻ em lại có cái nhìn thấu đáo hơn hẳn người lớn.
Cách đây không lâu, "bức thư tình" của một học sinh nữ lớp 3 ở Trung Quốc đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Tuy nhiên, bức thư này không phải viết cho bạn khác giới mà đó chỉ là một bài viết miêu tả tình cảm giữa hai người với nhau.
Tiêu đề của bài viết được nêu ra rất thẳng thắn, gọi là "Thì ra chúng ta chưa biết yêu". Nhân vật chính trong bài văn đó là ông bà nội của cô bé. Bài văn đã khắc họa từng chút một về cuộc sống của hai ông bà.
Nội dung bức thư như sau:
Ông bà nội tôi, hai người đã cãi nhau suốt cả một đời.
Một buổi sáng sớm, khi vừa bước ra khỏi phòng, tôi đã nghe thấy tiếng ông bà mắng nhau. Lắng nghe kĩ một chút thì hiểu ra, to tiếng với nhau như vậy chỉ bởi vì luộc thiếu 1 quả trứng.
Vào buổi trưa hôm nọ, bà vừa mua rau về, bước vào đến bếp lại xảy ra tranh cãi với ông. Nguyên nhân lần này là do bà mua quá nhiều thức ăn.
Đến một buổi trưa khác, ngoài phòng khách lại xảy ra cãi vã. Vì ông nội không chịu nghe lời, bà nội liền túm lấy tai ông.
Lại một đêm nữa, từ phòng ông bà phát ra tiếng khiển trách, có khi ông nội đang răn dạy bà nội điều gì đó.
Ngày nào cũng như vậy, diễn ra suốt từ năm này qua năm khác.
Tôi đã từng nghĩ, giữa ông và bà chỉ có tình cảm gia đình.
Nhưng thời gian trôi đi, tôi cũng hiểu ra rằng: Ông không ăn được lòng đỏ trứng, bà muốn ông mỗi buổi sáng ăn hai phần lòng trắng trứng; bà nội lưng yếu, mua nhiều thức ăn thì lại phải xách rất nặng, ông nhìn vậy mà thương; ông không chịu ngủ trưa, bà thấy thế không vừa lòng; mỗi khi bà muốn kéo tai ông mà không thể với tới, ông sẽ cố ý cúi người xuống, miệng thì vẫn kêu đau; bà thích bật điều hòa vào buổi tối, ông sợ bà như thế sẽ bị cảm...
Hai con người, vì đều quan tâm lẫn nhau mà cứ thế cãi nhau cả một đời.
Tôi vốn nghĩ rằng tình yêu là phải mãnh liệt, nồng nhiệt, phải triền miên kéo dài; là các cô các cậu dò xét đối phương trong tác phẩm văn học; là đôi nam chính nữ chính đến chết cũng không thay lòng đổi dạ trong phim Âu Mỹ; là những ân oán đau thương triền miên trong các tiểu thuyết võ hiệp... nhưng sau cùng tất cả cũng đều không hề lâu dài.
Sự dò xét của đôi trai gái, không bằng ông bà vạn phần kiên định cho cuộc hôn nhân này; nam chính nữ chính nguyện đến chết cũng không thay lòng, không bằng ông mua giỏ cua cho bà vào ngày mưa to gió lớn; ân oán nam nữ trong giang hồ cũng không bằng những cãi vã nhỏ nhặt của ông bà. Tôi dần dần cũng hiểu được tình yêu đại loại chính là như vậy.
Tôi từng nghe kể về nhiều bi kịch của tình yêu, một đôi vợ chồng mới kết hôn được một tháng đã li hôn, ba năm mặn nồng và hai năm yêu xa, cuối cùng cũng chia tay.... và còn vô số những bi kịch tương tự như vậy. Nhưng nguyên nhân vẫn thường chỉ có một: Chúng ta không hợp nhau.
Gia đình không hợp, tính cách không hợp, địa vị không hợp.... nhưng cũng đều là do họ chưa hiểu được tình yêu.
Yêu một người, chính là cần phải có trách nhiệm với người đó.
Ông nội sẽ bỏ thêm một ít tiền vào ví bà trước khi bà ra khỏi nhà, sẽ lấy chiếc khăn quàng cổ ra trước, sẽ kiểm tra xem trong túi của bà đã có ô hay chưa; bà nội sẽ giục ông đi tắm sau khi ông quét dọn, giúp ông cạo râu và cắt tóc, sau đó đem quần áo ông đi giặt. Họ cứ như thế mà chịu trách nhiệm với nhau cả đời.
Tình yêu, chính là có trách nhiệm, là dài lâu, là chung thủy. Hóa ra, chúng ta đều không hiểu tình yêu.
Trong bài viết, tình cảm của ông bà không có những biến cố rầm rộ, mà toàn bộ đều là những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Cũng giống như hàng ngàn vạn người bình thường khác, giữa ông bà cũng xảy ra cãi vã về những chuyện rất đỗi nhỏ nhặt.
Mặc dù có những mâu thuẫn trong cuộc sống, nhưng tình cảm giữa hai người vẫn không có bất cứ vấn đề gì, và dù ở bất cứ đâu họ cũng luôn nghĩ cho người bạn đời của mình. Kết thúc bài viết là lời kết luận của cô bé, đó là: Yêu một người thì cần phải có trách nhiệm với người đó.
Ảnh minh họa.
Bài viết này nhận được vô số lời tán thưởng của cư dân mạng bởi cách nhìn đúng đắn của cô bé về tình yêu. Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm sau khi chấm bài viết này còn nói rằng, nếu đây là con gái của mình, thì cô sẽ không hề cấm con yêu đương, vì một đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tình yêu chắc chắn sẽ thực sự coi trọng tình yêu của mình và không vô trách nhiệm với bản thân.
Tất nhiên điều này dành cho những đứa trẻ đã khá lớn, bởi tư duy của chúng đang không ngừng trưởng thành, và việc có suy nghĩ như vậy là điều rất bình thường.
Đối với những đứa trẻ tuổi còn khá nhỏ, tình yêu đối với chúng vẫn còn tương đối ngây thơ. Hầu hết bố mẹ thường cười nhạo khi nghe con của họ nói rằng chúng thích một ai đó, thực chất, đây lại là sản phẩm của giai đoạn nhạy cảm ở trẻ, và trẻ em trong giai đoạn này rất cần đến sự quan tâm của bố mẹ.
Thời kì nhạy cảm về hôn nhân
Trẻ em sẽ bước vào thời kỳ nhạy cảm về hôn nhân khi chúng mới chỉ ba đến bốn tuổi. Ở thời kì này, những hiểu biết của trẻ về tình yêu chủ yếu đến từ bố mẹ mình và từ cả những gì mắt thấy tai nghe trong cuộc sống.
Dưới tác động của một số hành động và ngôn ngữ, trẻ em sẽ thể hiện suy nghĩ của mình đối với người bạn khác giới mà chúng có cảm mến theo cách biểu đạt của người lớn.
Đối với suy nghĩ và cách làm của con cái, có một số cha mẹ phản đối, có một số cha mẹ lại lo lắng như thể sắp đối mặt với chuyện vô cùng khủng khiếp. Trên thực tế, những cách làm này đều quá cực đoan và không có lợi cho việc giúp con cái vượt qua thời kì nhạy cảm về hôn nhân. Cha mẹ nên có những cách làm như sau:
Ảnh minh họa.
1. Trau dồi ý thức về trách nhiệm cho trẻ
Như những gì cô bé viết trong bức thư tình, hai người yêu nhau cần phải có trách nhiệm với nhau. Nếu chỉ một bên có trách nhiệm hoặc cả hai đều thiếu trách nhiệm thì mối quan hệ đó sẽ không thể tiến xa.
Khi giáo dục con cái, chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh với chúng rằng trong cuộc sống hãy biết trau dồi ý thức về trách nhiệm của bản thân, hãy trở thành một đứa con có trách nhiệm, biết đảm đương gánh vác những trọng trách của mình.
2. Dạy trẻ làm những việc phù hợp với lứa tuổi
Yêu đương không phải việc mà trẻ em nên làm ở độ tuổi của chúng, với mỗi việc khác nhau trẻ em cần có những cách làm khác nhau. Ví dụ như có thể chơi đùa trước khi vào học, học nghiêm túc sau khi đã đến giờ vào lớp và chỉ nên học cách yêu sau khi đã bước vào xã hội.
Làm những việc phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ em trưởng thành một cách lành mạnh hơn. Việc làm những điều không phù hợp với lứa tuổi sẽ khiến trẻ cảm thấy bối rối, thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả khó lường.
3. Dạy trẻ biết cách phân biệt cảm xúc
Khi chơi đùa cũng như học hành, những bạn đồng trang lứa mà trẻ tiếp xúc chính là những người đồng hành với chúng. Khi tiếp xúc, trẻ sẽ có những tình cảm cảm mến đối với bạn khác giới, lúc này tình cảm đó cũng chỉ là tình bạn chứ không phải tình yêu. Giữa bạn bè với nhau cần có sự tin cậy thay vì phải có trách nhiệm nặng nề.
Nếu trẻ nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu, chúng sẽ gặp khó khăn hay nghi hoặc với những mối quan hệ của chúng, và điều này sẽ khiến chúng mất đi tinh thần trách nhiệm. Vì vậy, cha mẹ cần giáo dục con cái biết nhìn đúng với tình cảm của mình, duy trì tình bạn tốt với bạn bè.
4. Thực hiện giáo dục giới tính cho trẻ một cách chính xác
Giáo dục giới tính luôn là điều khiến cho các phụ huynh cảm thấy đau đầu. Nếu cha mẹ không nắm bắt được tình hình đến đâu sẽ dễ khiến cho con cái bị lạc lối. Tuy nhiên, giáo dục giới tính lại vô cùng cần thiết cho con đường phát triển của trẻ.
Vì vậy, khi nuôi dưỡng những quan niệm tốt đẹp về tình yêu cho con cái, cha mẹ cần thực hiện giáo dục giới tính một cách phù hợp cho chúng, đừng che giấu con quá nhiều, chỉ nên giấu những kiến thức chưa phù hợp với lứa tuổi, cố gắng tránh những tác động tiêu cực từ sự tò mò của trẻ.
Giúp trẻ trưởng thành lành mạnh là một việc không hề dễ dàng, đòi hỏi cha mẹ phải tốn nhiều tâm huyết để hình thành nên những quan niệm đúng đắn cho trẻ. Trong khi đó hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ lại vô cùng dễ dàng, bởi chỉ cần một chút lơ là của cha mẹ cũng có thể khiến điều này xảy ra. Vì vậy, để con cái phát triển lành mạnh, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ từng chút một và hãy hướng chúng đi theo con đường đúng đắn.