Bức ảnh giả mạo về vụ nổ gần trụ sở Lầu Năm Góc tại Virnigia. Ảnh: Twitter
Đây có thể là ví dụ đầu tiên về cách thức một hình ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sẽ tác động đến thị trường.
Hơn 10h sáng 22/5 theo giờ New York, khi bức ảnh giả mạo trên được lan truyền, cổ phiếu S&P 500 đã giảm khoảng 0,3% xuống mức thấp nhất trong phiên. Sau khi tin tức khẳng định tấm hình đó là một trò lừa bịp, chỉ số này đã nhanh chóng tăng trở lại.
Bức ảnh giả xuất hiện đầu tiên trên Facebook cho thấy một cột khói đen bốc lên ngùn ngụt từ một địa điểm mà một người dùng Facebook tuyên bố là ở gần trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở Virginia. Nó nhanh chóng được lan truyền trên các tài khoản Twitter với hàng triệu người theo dõi.
Một nhân viên Lầu Năm Góc trả lời hãng tin Bloomberg rằng buổi sáng hôm đó ở cơ quan quân sự này không xảy ra bất cứ sự cố cháy nổ nào. Sở Cảnh sát Arlington cũng đưa ra khẳng định tương tự.
Trước khi các nguồn tin chính thức bác bỏ bức ảnh trên, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ nó có thể là sản phẩm của AI.
Nhà nghiên cứu Nick Waters tại nhóm tình báo Bellingcat cho biết phần mặt tiền của tòa nhà, hàng rào và rào chắn đều đáng ngờ. Hơn nữa, không có bất kỳ hình ảnh, video hay người nào khác chia sẻ về vụ nổ với tư cách là nhân chứng trực tiếp.
Khi sự thật lộ ra, các tài khoản Twitter chịu trách nhiệm phát tán bức ảnh trên bắt đầu xóa bài hoặc sửa lại bài đăng.
Mặc dù nguồn gốc của hình ảnh vẫn chưa được xác định rõ, việc đó là sản phẩm của AI đã làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng các công nghệ mới nổi sẽ dễ dàng tạo hình ảnh và nội dung giả mạo và đẩy nhanh sự lan truyền thông tin sai lệch.
Trên Facebook, tài khoản đầu tiên đăng bức ảnh giả mạo này đã gắn nhãn “thông tin sai lệch” vào bài đăng gốc của họ.
Facebook đã chặn quyền truy cập vào bài đăng và nói rằng hình ảnh đã được "kiểm tra bởi những người kiểm tra thực tế độc lập".