Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau

Ngân Hà |

Đây có lẽ là khoảnh khắc khiến nhiều người xúc động nhất những ngày qua và vẫn không ngừng được chia sẻ.

Khoảnh khắc cô giáo vừa ăn cơm, vừa bế trẻ khiến nhiều người suy ngẫm

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh cô giáo mầm non ngược đãi, bạo hành trẻ. Đó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, hình ảnh của các cô nuôi dạy trẻ.

Trên thực tế, các "cô giáo như mẹ hiền" ấy hằng ngày vẫn thầm lặng bỏ ra không ít mồ hôi, công sức, bằng cả nhiệt huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ.

Một bức ảnh được chụp tại lớp mầm non, ghi lại bữa ăn trưa của các cô giáo bất ngờ được lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người hiểu thêm về nỗi vất vả của các cô giáo mầm non.

Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 1.

Bức ảnh này nhận được gần 10.000 lượt yêu thích, hơn 11.000 lượt chia sẻ và vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người không khỏi xúc động và lặng người suy ngẫm.

Trên mâm là những món ăn đơn giản, và điều khiến nhiều người xúc động hơn cả chính là khoảnh khắc một cô giáo dù đang ăn cơm nhưng vẫn bế đứa trẻ đang ngủ say sưa trong lòng.

Do đặc thù công việc, giáo viên mầm non phải có khiếu múa hát, biết pha trò và chăm sóc trẻ. Hằng ngày, các cô phải có mặt từ sáng sớm để đón trẻ, tất bật chăm sóc cho hàng chục bé là điều không hề đơn giản.

Thậm chí, đến bữa ăn sau một buổi làm việc với đủ những việc không tên cũng không được trọn vẹn, các cô vừa ăn vội ăn vàng, vừa phải ẵm bế học sinh như bức ảnh trên.

Nhọc nhằn từ sáng đến tối để trông trẻ, nhưng chỉ vì một vài câu chuyện đáng buồn trong nghề, các cô bị đánh đồng, phải chịu nhiều áp lực từ công việc, phụ huynh học sinh.

Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 2.

Sau khi bức ảnh này được đăng tải lên mạng, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ của mình.

Chị Trà My, đến từ thành phố Hồ Chí Minh - một phụ huynh có hai con nhỏ đi học Mầm non chia sẻ: "Bé lớn nhà mình đi học rất được cô thương, thường xuyên ẵm trên tay. Vì bé dễ ăn dễ ngủ, lại biết nịnh. Nhóc thứ hai thì khó ăn hay nhõng nhẽoMỗi lần đón con tôi vẫn hay hỏi con đi thế nào, chơi gì, ăn gì... và cô có đánh con không. Bé nói cô đánh vào mông con. 

Thực ra cũng xót lắm nhưng thử nghĩ xem, mình chămmột đứa, nhiều lắm là hai nhưng các mẹ có tuyệt đối chưa đánh con không? 

Các cô phải chăm hàng chục đứa, áp lực đè nặng lên vai. Bản chất con mình biếng ăn mà đòi mập như bạn như bè, rồi con hư, nói không nghe... không khỏi những lúc các cô không cầm được phải phạt con. Tôi rất thông cảm. Tôi không cấm cô đánh, phạt con nhưng chỉ mong là trong giới hạn cho phép."

Facebook Lan Vy bình luận sau khi xem bức ảnh: "Khoảnh khắc lột tả được nỗi vất vả của các cô, nhưng cảnh này không phải là hiếm.

Bé nhà mình đi học hay quấy khóc, mình xem qua camera thấy cô dỗ suốt, buổi trưa cháu không ngủ cô cũng không được ngủ mà phải bế dỗ.

Con mình khóc cả tháng, thế là trưa nào cô cũng thức dỗ suốt cả tháng như thế, bảo sao mấy  bé nhà mình quý cô lắm, gọi cô là mẹ thôi.

Hãy động viên các cô thay vì những lời chì chiết, hoài nghi. Khi con người được khích lệ, họ có muốn xấu cũng không đành. Vậy nên mình không đồng ý khi nhiều bạn hoài nghi, cho rằng em bé trong ảnh trên chắc là con của cô giáo. Nghi ngờ người tốt là bạn đã vô tình xúc phạm họ rất nhiều!"

Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 3.
Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 4.

Dân mạng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các cô giáo mầm non sau khi xem bức ảnh.

Theo nhận định của nhiều cô giáo mầm non, khoảnh khắc này diễn ra hằng ngày đối với họ, và không có chuyện em bé mà cô giáo ẵm trong lúc đang ăn cơm là con của cô như nhiều người nghi ngờ.

Bởi theo nguyên tắc, trong trường cô giáo mầm non không được dạy chính lớp con mình để tránh ảnh hưởng đến công việc.

Chị Nguyễn Tỵ, đến từ Yên Bái chia sẻ: "Tôi đã từng là giáo viên mần non, còn 2 năm nữa mới đến tuổi về hưu nhưng do áp lực công việc và nhiều áp lực khác nên không cố được mà phải về hưu sớm.

Tôi rất thương, hiểu và đồng cảm với các em, các cháu đồng nghiệp. Hình ảnh bế cháu trong khi ăn chỉ phản ánh phần nhỏ trong những sự vất vả của các cô.

Đầu năm các cháu đến trường quấy khóc, lớp thì đông, cho các cháu ăn rồi ngủ xong đã hơn 12 giờ trưa, mệt rồi cơm canh nguội ngắt không muốn ăn nữa chỉ chan canh lùa cơm vào miệng cho xong bữa. Bế cháu ngủ khi ăn là hình ảnh tĩnh.

Mọi người có biết để bế được cháu ăn cơm trước đó cô còn dỗ cháu để cháu ăn rồi ăn xong lại đòi mẹ vất vả thế nào không? Sự vất vả đó chỉ có người trong nghề mới hiểu. Thương lắm các bạn đồng nghiệp của tôi!".

Nỗi niềm của những cô giáo mầm non "làm dâu trăm họ"

Tất bật đón trẻ từ 6h30 và khép lại ngày mệt nhoài cho đến khi trời tối, cộng thêm áp lực từ nhiều phía khiến cô giáo mầm non phải xoay nhưng chong chóng mỗi ngày. Dẫu vậy, đồng lương họ nhận được lại quá thấp, khiến nhiều cô giáo phải bỏ việc dù rất yêu nghề, mến trẻ.

Cô giáo có nickname Trang Bee, một giáo viên mầm non đến từ Thanh Hóa tâm sự: "Khoảnh khắc này ngày nào mình cũng trải qua luôn ấy. 

Chẳng phải con mình, không họ hàng, phụ huynh còn khó dễ với cô nhưng hôm nào ru bé ngủ xong cũng bế luôn trên người, ăn cơm hay ngả lưng chút buổi trưa cũng ôm con"

Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 5.

"Ngắm nhìn một đứa trẻ ngây thơ, đáng yêu nằm yên trong lòng mình thì không dám hắt xì, không dám cử động mạnh sợ con tỉnh giấc luôn. Đến nỗi đi làm một ngày, tối về người đau nhức, ê ẩm hết cả." - Cô giáo có nickname Trang Bee chia sẻ.

Bữa ăn trưa vội vã của nữ giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những câu chuyện phía sau - Ảnh 6.

Cô giáo Trang rất yêu nghề, mến trẻ và vẫn muốn gắn bó với công việc này dẫu còn nhiều nhọc nhằn, trăn trở.

Đối với giáo viên trẻ, lại công tác ở các điểm trường thuộc địa bàn thành phố thì áp lực ngày một tăng từ phía phụ huynh. Cô Đặng Kiều Vy, đến từ Quảng Trị chia sẻ: "Thời con đi học dưới mái trường Sư phạm, mình luôn ao ước trở thành cô giáo Mầm non. Một phần vì yêu trẻ, muốn được các bé vây quần trò chuyện, cùng trẻ chơi đùa, ca hát với các bé…

Nhưng khi bước chân vào nghề mới thấu hiểu sự vất vả của công việc. Nhiều lúc bị phụ huynh hiểu lầm là mình đánh con họ, mình rất buồn nhưng nhờ đồng nghiệp an ủi nên từ từ lấy lại tinh thần và tiếp tục gắn bó với công việc này".

Đối với những giáo viên chưa lập gia đình như Kiều Vy thì thư thả, chứ những người đã có gia đình thì khó khăn hơn nhiều. Đôi khi phụ huynh vì công việc quên đón trẻ, các cô phải ở lại trông đến khi phụ huynh đón mới được về, việc chăm sóc con cái, gia đình phần nào bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Thái đến từ Hòa Bình, một người đang nấu cơm cho trẻ tại trường mầm non kể: "Mình đã chứng kiến các cô giáo mần non phải chịu áp lực, vất vả như thế nào. Trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức được mấy, các cô phải bảo ban dạy dỗ nhiều đến khản cả giọng. 

Và nhất là khi có học sinh mới vào, chưa quen với môi trường nên khóc nhiều. Nhiều trưa các cô không được ngủ, phải thay phiên nhau dỗ trẻ, bữa ăn qua loa cho xong việc là bình thường.

Vậy mà có chút chuyện là phụ huynh đã làm ầm lên, lên trường la mắng, trách móc cô, áp lực vô cùng!"

Có lẽ, các cô giáo mầm non không mong mỏi gì hơn là nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ phía phụ huynh, xã hội để giảm bớt áp lực và cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ một cách tốt nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại