"Brexit có thể đẩy thế giới Ả Rập vào vòng tay Assad"

Ngọc Minh |

Các nguồn tin của Debka đã tiết lộ những phản ứng không ngờ từ phía các chính phủ Ả Rập sau việc Anh chính thức quyết định rời EU (Brexit).

Theo nguồn tin của trang tin tình báo Debka, các chính phủ ở Ả Rập bắt đầu tỏ ra ngần ngại vì đã phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống IS. Họ dường như đang cho rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang suy yếu, đồng thời dự đoán Anh sẽ giảm hoặc thậm chí là rút toàn bộ lực lượng của mình ra khỏi chiến trường trong tương lai gần.

Các nguồn tin trên báo cáo, chính vì lẽ đó, một kết quả khá bất ngờ và kịch tính của Brexit đang xảy ra ở Trung Đông: Quan chức tại một số quốc gia Ả Rập đang thảo luận về khả năng dừng tẩy chay Tổng thống Syria Bashar al-Assad và có thể hợp tác quân sự với Damascus nhằm chống lại khủng bố - một lựa chọn mà chỉ vài ngày trước vốn là điều không tưởng.

Nói cách khác, họ có thể sẽ chấp nhận tuyên bố của Assad kể từ khi xung đột ở Syria nổ ra năm 2011 rằng, cuộc chiến của ông chống lại những kẻ nổi dậy muốn lật đổ chính quyền thực chất là cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan.

"Nếu các quan chức Ả Rập thực sự biến lời nói thành hành động, thì chúng ta sẽ đứng trên bờ vực của một cuộc rung chấn về quân sự và chính trị khác tại Trung Đông", Debka kết luận.

Cũng theo Debka, có những dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của một số quốc gia Hồi giáo Trung Đông - Tehran, Riyadh, Amman, and Damascus - về một thực tế mà theo họ, là sự yếu đi của NATO và thậm chí là vị thế của Washington ở Brussels.

Bình luận về vụ Brexit, Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Masoud Jazayeri nói: "Khao khát rời khỏi EU đã thực tế là một từ "Không" từ đa số người dân với việc chính phủ Anh tiếp tục tuân thủ ý chí mà Mỹ áp đặt lên quốc gia này".

Ông này khuyên các quốc gia còn ở lại với EU cần phải độc lập với Nhà Trắng, bởi đó là "con đường duy nhất để bảo vệ EU".

Còn ông Hamid Aboutalebi, Phó chánh Văn phòng Tổng thống Hassan Rouhani, trên Twitter cá nhân của mình, thì nhận định, cuộc trưng cầu dân ý là "rung chấn mạnh mẽ làm rung chuyển châu Âu" và rằng "các ngôi sao trên lá cờ của EU đang rơi xuống". Theo ông Aboutalebi, "việc Anh rời EU là một cơ hội lịch sử cho Iran - Cần phải tận dụng lợi thế từ cơ hội mới này".

Debka bình luận, thái độ hài lòng này đối với sự bất ổn của EU là điều tương đối gây ngạc nhiên, khi suốt vài năm qua, EU đã ủng hộ chính trị, tài chính và hỗ trợ quân sự cho thế giới Ả Rập, ví dụ trong vấn đề hạt nhân Iran hay cuộc xung đột Israel - Palestine.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại