Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, Ban quản lý đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (còn gọi là ông bà chủ chợ Cao Lãnh, có địa chỉ ở phường 2, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã dùng hơn 1 tỉ tiền công đức đi mua ô tô để phục vụ việc "giao lưu giữa các đình".
Nguồn trên thông tin, chiếc xe do Trưởng Ban quản lý đền thờ trên là ông Phạm Văn Thuận (84 tuổi) đứng tên. Xe hiệu Ford Everest đời 2018, biển số 66A-077.31, giá trị gần 1,3 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền mua xe là tiền công đức của bà con.
Ông Trương Văn Việt (nguyên thành viên ban quản lý đền) bày tỏ, thay vì mua ô tô thì tiền công đức của bà con có thể dùng làm từ thiện, làm việc có ý nghĩa.
Hôm nay (28/10), báo Đất Việt dẫn lời ông Bền (Phó Ban quản lý đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường) cho hay, mua xe là để phục vụ cho việc đi giao lưu giữa các đình. Do xe phục vụ công việc chung nên tiền xăng xe cũng được trích từ quỹ của đền.
Ông khẳng định trước khi mua ô tô đã có sự thông qua trong tập thể, với mong muốn có xe đi cúng đình.
"Mỗi năm, anh em chúng tôi phải đi cúng hơn 100 cái đình, bình quân 3 ngày cúng 1 cái mà đi bằng xe máy thì nguy hiểm quá. Bởi vậy, chúng tôi mới đề nghị mua 1 chiếc ô tô để đi lại cho an toàn, chứ cứ đi xe máy suốt nếu có tai nạn thì ai chịu trách nhiệm", ông Bền nói với nguồn trên.
Còn theo vị Chủ tịch UBND phường 2, TP Cao Lãnh, phường không tham gia sâu về kinh phí mua ô tô của đền thờ ông, bà Đỗ Công Tưởng, bởi nội bộ đền đã có quy định riêng. Song ông khẳng định, giới chức địa phương sẽ trao đổi để việc sử dụng tiền công đức thiết thực nhất.
Theo Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp, ông, bà Đỗ Công Tường có tục danh là Lãnh, người từ miền Trung đến lập nghiệp ở làng Mỹ Trà (triều vua Gia Long năm 1817). Mỹ Trà nay là xã thuộc TP Cao Lãnh. Ông bà khai khẩn đất hoang, trồng được một vườn quýt lớn, cuộc sống khá giả.
Dân làng chọn ông bà giữ chức Câu đương, chuyên phân xử những vụ tố tụng trong làng, bởi hai vợ chồng là người thẳng thắn, cương trực.
Năm 1820, bệnh dịch tả bùng phát khiến nhiều người làng chết, tang thương bao phủ khắp vùng. Với tấm lòng nhân từ, ông bà đã lập hương án cầu nguyện phật trời chết thay cho dân chúng. Sau 3 ngày cầu khấn, bà chết do dịch bệnh, rồi ông cũng chết theo sau đó. Để ghi nhớ tấm lòng của ông, bà Đỗ Công Tường, bà con trong làng lập đền thờ vào năm 1820.
(Tổng hợp)