"Bóng ma" quá khứ cản trở tham vọng của Tập Cận Bình

Thừa Phong |

Ước mơ "hóa rồng" của người Trung Quốc sẽ khó mà thực hiện nếu đi vào những "vết xe đổ" này.

Thời gian vừa qua, bóng đá Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng trên toàn thế giới. Các CLB của quốc gia đông dân nhất thế giới liên tục thực hiện các thương vụ chuyển nhượng "hoành tráng".

Số tiền mà họ chi tính từ đầu năm 2016 đạt tới 208 triệu bảng, vượt cả Premier League (127 triệu bảng). Mùa Hè tới, dự kiến các "đại gia" Trung Quốc sẽ tiếp tục biến thị trường chuyển nhượng thành sân chơi cho riêng mình.

Phấn khởi trước sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, ông Tập Cận Bình đã nói: "Tôi có ba ước mơ. Thứ nhất, Trung Quốc phải vượt qua vòng loại World Cup sau lần thứ nhất năm 2002.

Thứ hai, Trung Quốc là chủ nhà của một vòng chung kết World Cup. Và ước mơ thứ ba là Trung Quốc vô địch World Cup".

Bóng ma quá khứ cản trở tham vọng của Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Nếu đầu tư khoa học và nghiêm túc, Trung Quốc hoàn toàn có thể thành công. Nhưng đây không phải lần đầu đất nước đông dân nhất thế giới đặt mục tiêu nâng tầm bóng đá.

Và nếu nhớ lại những "cú phốt" khủng khiếp trong lịch sử mỗi khi đặt tham vọng cao, có lẽ người Trung Quốc sẽ phải cẩn thận hơn rất nhiều.

World Cup, Asian Cup và không gì cả

Năm 2002, Trung Quốc lọt vào VCK World Cup lần đầu tiên. 2 năm sau, họ giành ngôi Á quân Asian Cup. Thời điểm đó, người Trung Quốc đã vẽ nên một viễn cảnh rất tươi sáng cho tương lai.

Tiếc rằng, mọi kế hoạch đã bất thành vì "bóng ma" mang tên tiêu cực, bán độ và dàn xếp tỉ số. Một thống kê cho biết, ngành công nghiệp cá độ ở Macau mỗi năm kiếm không dưới 10 tỉ euro.

Đó mới là bề nổi. Các hoạt động cá độ bất hợp pháp thậm chí còn đem lại doanh thu gấp 5 lần số đó.

Tony Rougier, cầu thủ người Trinidad & Tobago từng chơi bóng tại Trung Quốc giai đoạn đó tâm sự: "Người Trung Quốc yêu bóng đá. Nhưng bóng đá, với những SVĐ tồi tàn, trọng tài tệ hại và các vụ bê bối, không hề yêu họ.

Thật khó tin khi tôi không thể tìm được 11 cầu thủ có thể chuyền với nhau 3 đường liên tục một cách nhuần nhuyễn".

Bóng ma quá khứ cản trở tham vọng của Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Tony Rougier có cái nhìn không mấy sáng sủa về bóng đá Trung Quốc.

Danh hiệu VĐQG Trung Quốc năm 2003 của Shanghai Shenhua bị tước vì dàn xếp tỉ số. Họ cũng bị trừ 6 điểm và phạt 100.000 bảng.

2 cựu chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Nan Yong và Xie Yalong đều "dính chàm". Riêng Nan Yong bị kết án tới 10 năm rưỡi tù giam bởi đã nhận 153.000 bảng tiền hối lộ.

Thậm chí, trận đấu giao hữu của Man United (thắng Shenzhen FC 6-0) cũng bị nhúng tay vào. Trọng tài Huang Junjie đã nhận 160 nghìn bảng để tác động vào kết quả.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV sau đó từ chối tiếp tục phát sóng Super League.

Bán suất lên tuyển, vỡ mộng "hái sao"

Vài năm trước, Chinese Super League cũng từng đón hàng loạt siêu sao như Drogba hay Anelka.

Ngoài cầu thủ, các CLB "nhà giàu" còn mời cả những HLV kỳ cựu như Lippi, Tigana về dẫn dắt để tiến gần hơn tới đẳng cấp châu Âu.

Tuy nhiên, tình trạng các đội bóng được những ông chủ lớn mua về đầu tư ngắn hạn rồi lại bán đi khiến giải đấu vô cùng bất ổn. Ngoài ra, mối lo về bán độ, cá độ vẫn hiện hữu khắp nơi.

Đầu năm 2013, sau một loạt các cuộc điều tra, nhiều bí mật động trời đã bị phanh phui.

FIFA quyết định cấm 25 người trong 5 năm và 33 người Trung Quốc suốt đời không được tham gia vào hoạt động bóng đá.

Tại ĐTQG Trung Quốc một thời còn có hiện tượng lấy tiền để mua suất thi đấu.

Theo "bảng giá" được CNN công khai, một cầu thủ cần trả 10.000 bảng để được triệu tập vào ĐTQG. Muốn vào sân từ băng ghế dự bị trong một trận đấu phải đưa thêm 20.000 bảng.

Tổng cộng có tới 12 CLB có dính dáng vào những đường dây dàn xếp tỉ số để phục vụ cho các hãng cá độ. Còn các ngôi sao cũng run rẩy và dần rút khỏi Chinese Super League trở lại châu Âu hoặc tới Trung Đông hay MLS.

Mãi tới gần đây, khi chính quyền Trung Quốc mạnh tay xử lý các cá nhân, tổ chức tham gia dàn xếp tỉ số, nền bóng đá mới tạm yên bình trở lại.

Nhưng với đà phát triển nóng với hàng loạt các thương vụ "tiền tấn", không ai biết mọi chuyện sẽ đi tới đâu.

Do yêu cầu có nội binh trong đội hình, nhiều cầu thủ Trung Quốc sau một đêm có thể đạt giá trị ngang bằng với đồng nghiệp đẳng cấp cao hơn hẳn tại Premier League.

Ông Yan Qiang, phó Chủ tịch Hãng truyền thông thể thao Titan từng nói: "Nơi nào kiếm ra tiền, nơi đó ắt có kẻ tìm cách lách luật để làm ăn phi pháp".

Bóng đá Trung Quốc giống như một tòa nhà được xây cao tầng nhưng nền móng chưa thực sự vững chắc. Chỉ cần một vết nứt nhỏ bị bỏ qua, tất cả có thể sụp xuống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại