Tiêm kích Su-57 của Nga. Ảnh: militarywatch
Ông Yury Slyusar cho biết, học thuyết hàng hải của Nga đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các tàu sân bay tiên tiến. Do vậy, việc phát triển một nhóm tác chiến tàu sân bay có sự tham gia của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và máy bay không người lái là những lĩnh vực hứa hẹn nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Theo quan chức này, nền tảng được thiết kế trong khuôn khổ chương trình chế tạo Su-57 có thể giúp giải quyết các nhiệm vụ của các đơn vị không quân thuộc Hải quân Nga trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên ông Yury Slyusar không cung cấp chi tiết về dự án sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới dành cho lực lượng hải quân hoặc lịch trình của dự án.
Được tích hợp các thiết bị và vũ khí tối tân, tiêm kích này có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, trên bộ hoặc trên biển. Nó cũng được trang bị công nghệ tàng hình và sử dụng vật liệu composite.
Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh 13,95m, cao 4,74m, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng vũ khí 8 tấn; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2. Tiêm kích này có khả năng mang theo một tải trọng vũ khí lớn, trong đó có các tên lửa không đối không - là các mẫu mới tiên tiến nhất như tên lửa tầm xa siêu vượt âm R-37M (tốc độ trên Mach 5, được ra đời để trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31BM và Su-57) và K-77.
Su-57 được trang bị thiết bị vô tuyến-điện tử tiên tiến nhất, bao gồm một máy tính được mô tả là "phi công điện tử thứ hai", hệ thống radar được bố trí trải khắp thân máy bay và nhiều cải tiến khác. Nga từ lâu đã ca ngợi những tính năng ấn tượng của Su-57. Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng, khả năng của tiêm kích này còn vượt trội hơn so với các máy bay chiến đấu F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ.
Su-57 có thiết kế thân cánh pha trộn, kết hợp các chức năng của máy bay cường kích và máy bay tiêm kích. Su-57 có 4 khoang vũ khí: gồm 2 khoang nằm bên trong chiếm gần hết chiều dài thân máy bay, dùng để chứa những loại vũ khí lớn chẳng hạn như tên lửa không đối không tầm trung và tầm xa hoặc bom cỡ lớn, 2 khoang vũ khí treo dưới cánh hoặc thân dành cho tên lửa không đối không tầm ngắn.
Dự kiến đến cuối năm 2024, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ tiếp nhận 22 máy bay chiến đấu Su-57 và đến năm 2028, con số đó sẽ tăng lên đến 76 chiếc. Trước đó năm 2020, quân đội Nga đã nhận được chiếc Su-57 đầu tiên.
Với độ bền cao, cảm biến mạnh mẽ và trang bị vũ khí tiên tiến, Su-57 được cho là một trong những tiêm kích phù hợp với các hoạt động tác chiến trên tàu sân bay. Ý tưởng chế tạo phiên bản mới của Su-57 dành cho tàu sân bay từng được đưa ra vào năm 2018 và ở thời điểm đó UAC cho biết họ đã sẵn sàng phát triển phiên bản này.
Tuy vậy, thiết kế trưởng của UAC, ông Sergey Korotkov cho biết: “Nếu chúng ta chỉ thay đổi các bộ phận trên máy bay mà không thay đổi các bộ phận trên tàu thì mọi thứ sẽ không khớp. Một loạt vấn đề liên quan đến việc cất cánh, hạ cánh, vận hành và khả năng tương thích điện tử cần phải được xử lý”.
Nhiều khả năng, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoặc phiên bản cải tiến của con tàu này sẽ triển khai tiêm kích Su-57 phiên bản hải quân. Bộ Quốc phòng Nga đã hạn chế đầu tư vào việc đóng những tàu sân bay khác để thay thế tàu Đô đốc Kuznetsov, dẫn đến suy đoán rằng, con tàu này sẽ được hiện đại hóa để có thể kết hợp với Su-57.
Kế hoạch tương lai cho Hải quân Nga
Giới phân tích cho rằng, việc phát triển một biến thể Su-57 vận hành tàu sân bay đặc biệt có lợi cho hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga và khách hàng tiềm năng có thể là Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ hiện đang vận hành tiêm kích MiG-29K làm máy bay chiến đấu chính trên tàu sân bay.
Ông Yury Slyusar cho biết, Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất đang phối hợp với các nhà thầu phụ chế tạo 4 máy bay chiến đấu Su-57, theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Việc bàn giao lô máy bay tiếp theo dự kiến diễn ra trong năm nay.
Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng tiết lộ những kế hoạch khác dành cho hải quân nước này.
Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC) của Nga, ông Vladimir Korolyov cho biết, tập đoàn đang phát triển các tàu mặt nước và tàu ngầm tiên tiến theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo USC, công việc này hướng tới việc tăng hiệu quả chiến đấu, đặc tính kỹ thuật của các con tàu và vũ khí mà chúng mang theo. Ông Vladimir Korolyov lưu ý, những tàu chiến hiện đại có thủy thủ đoàn sẽ sớm ra khơi cùng với các con tàu tự động hóa không có thủy thủ đoàn. Ông nói thêm, các tàu chiến có thủy thủ đoàn sẽ được trang bị hệ thống điều khiển tác chiến tích hợp.