Tác giả - chuyên gia về Trung Đông Yuri Barmin của Hội đồng Đối ngoại Nga, trong một bài viết đăng trên Moscow Times đã đánh giá sự kiện Quốc vương Salman bin Abdelaziz của Ả Rập Saudi thăm chính thức Nga bắt đầu từ 5/10. Theo ông, đó là sự kiện giúp mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Moscow và Riyadh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Barmin, ý nghĩa của chuyến thăm này không chỉ giới hạn ở việc đây là chuyến thăm đầu tiên của vị Quốc vương Ả Rập tới Nga từ thời điểm hai nước nối lại quan hệ ngoại giao (1992) tới nay.
Barmin phân tích, với sự trở lại của Nga ở Trung Đông, Ả Rập Saudi và Nga – hai nước lớn với tham vọng toàn cầu – theo một cách tự nhiên sẽ trở thành những đối thủ của nhau trong rất nhiều vấn đề, từ Syria cho tới các vấn đề về dầu mỏ và cả Iran.
Nhưng bất chấp những khác biệt, Moscow và Riyadh đã tiến tới gần sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác trong các vấn đề này. Chuyến thăm của Quốc vương Ả Rập Saudi là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước.
Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều câu hỏi về việc điều gì thực sự là động lực cho chuyến viếng thăm Moscow của vị quốc vương ở thời điểm này, vì chuyến thăm trước đó đã bị trì hoãn rất nhiều lần từ khi ông chính thức lên ngôi tháng 1/2015.
Động lực của nhà vua Ả Rập Saudi
Theo chuyên gia Barmin, việc tăng cường hợp tác với Nga nhiều khả năng là một trong những tính toán dài hạn trong chính sách đối ngoại của Ả Rập Saudi, nhưng "cú hích" cuối cùng cho quyết định công du sang Moscow của Quốc vương Salman Abdulaziz có thể lại chính là tình hình chính trị trong nước của quốc gia vùng Trung Đông.
Vương quốc Ả Rập Saudi đang tiến vào thời kỳ chuyển giao quyền lực. Con trai của vua Salman, hoàng từ Mohammed, được kỳ vọng sẽ trở thành người trị vì tiếp theo. Hoàng từ 33 tuổi này đang thiếu những kinh nghiệm cần thiết và con đường tới vị trí quốc vương tương lai có thể sẽ gặp nhiều thử thách.
Chiến thắng nho nhỏ trong cuộc chiến ở Yeman và việc cấm vận Qatar có vẻ không mang lại hình ảnh tích cực cho vị hoàng tử, trong khi đó chương trình phục hồi kinh tế Ả Rập Saudi của hoàng tử lại bị hoài nghi nhiều.
Chuyên gia Barmin nhận định, sau khi đã không mấy thành công trong việc xây dựng hình ảnh cho con trai mình ở trong nước, đức vua Salman đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc chuyển giao quyền lực sang con trai Mohammed bin Salman của mình.
Nước Nga, với tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng ở Trung Đông, đã trở thành một quốc gia mà sự hậu thuẫn của nó có tầm quan trọng đặc biệt trong kế hoạch chuyển giao quyền lực nói trên.
Hoàng tử Mohammed bin Salman từng đến Nga và có các cuộc tiếp xúc cấp cao với Kremlin, nhưng tất cả đều chưa dẫn tới sự hợp tác thực chất. Ảnh: Alarabiya
Barmin cũng cho biết, các nhà quan sát theo dõi quan hệ Nga – Saudi đang cố gắng để lý giải động cơ đằng sau chuyến thăm của Quốc vương Salman tới Moscow và tự hỏi liệu chuyến thăm có phải là một sự "báo đáp" cho việc gì đó mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm, hay đó có thể là một sự "trả công" trước cho những gì Riyadh kỳ vọng ông Putin sẽ làm hay không?
Ả Rập Saudi từng bị cho là đã cố "mua chuộc" Moscow bằng các thương vụ dầu mỏ béo bở để Nga ngừng ủng hộ Tổng thống Syria Assad, vì thế Nga được cho là đang khá thận trọng với những nghĩa vụ trong thỏa thuận (nếu có) với Riyadh.
Đối với Riyadh, khu vực Trung Đông đang mất cân bằng một cách nguy hiểm vì Mỹ đã giảm dần sự hiện diện trong khu vực, còn Iran thì đang tăng cường ảnh hưởng của mình.Trong bối cảnh đó, Nga rõ ràng là một đối tác rất "thuận tiện", vừa có thể lấp chỗ trống Mỹ để lại, vừa có thể kiềm chế Tehran.
Đồng thời, Nga cũng bị thúc đẩy bởi những động lực và lợi ích của nó trong khu vực. Nga nhiều khả năng sẽ không cố gắng để trở thành một cường quốc kiểu Mỹ trong khu vực, và vì thế mà Riyadh vẫn còn dư địa để thể hiện sức mạnh và vai trò của mình ở Trung Đông
Kỳ vọng từ phía Nga
Phía Nga cũng có nhiều kỳ vọng thông qua chuyến thăm Moscow của quốc vương Ả Rập.
Hai năm trở lại đây, Nga rõ ràng đã rất bối rối với thực trạng là có nhiều cuộc tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Riyadh, nhưng tất cả chỉ mang lại toàn những lời hứa suông và rất ít sự hợp tác thực chất.
Năm 2015, Riyadh cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Nga. Hai bên đã ký rất nhiều thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, nhưng chẳng thỏa thuận nào dẫn tới kết quả là các hợp đồng kinh tế.
Một lãnh đạo trong tập đoàn công nghệ quốc phòng Rostec của Nga còn từng có một phát biểu nổi tiếng có ý rằng những lời hứa mua vũ khí từ Ả Rập Saudi dường như chỉ là một loại đòn bẩy chính trị vì chưa bao giờ họ thực sự ký một hợp đồng mua bán nào.
Như vậy, có thể nói, dù trong quá khứ Tổng thống Nga và nhà vua của Ả Rập Saudi từng gặp nhau, nhưng chuyến thăm này vẫn là một biểu tượng cho sự "khởi động lại" các mối quan hệ.
Chuyên gia Barmin cho rằng, với những mục tiêu chính trị rõ ràng của mỗi nước đã được phân tích, sẽ là vô lý nếu người ta hy vọng có được một bước đột phá nào từ cuộc thăm viếng này.
Tuy vậy, dù chuyến thăm không thể giúp Nga thay thế Mỹ ở vị trí đồng minh chủ chốt của Riyadh, nó cũng sẽ trở thành một cách để gây dựng lòng tin, giúp hai bên loại bỏ một "biến số" trong "phương trình địa chính trị Trung Đông".