Cay cú sau trận hòa nhạt nhòa trước West Ham, HLV Jose Mourinho đã lớn tiếng công kích lối chơi phòng ngự của đối thủ. Nhưng với một chiến lược gia vốn nổi tiếng về thực dụng như Người đặc biệt thì hành động lên án đối phương đó của ông chẳng khác nào tự “tát” vào mặt mình.
Tiếp đón một West Ham yếu hơn hẳn trên sân nhà Stamford Bridge, với phong độ cao trong thời gian gần đây, tưởng như đội quân của Jose Mourinho sẽ có một cuộc “dạo chơi” nhàn nhã trước đối thủ. Nhưng rồi, dù đã cầm bóng tới 72% và tung ra tới 39 cú sút, các cầu thủ của The Blues cũng đành bất lực trong việc chọc thủng lưới đối phương.
Với trận hòa không bàn thắng này, Chelsea dù vẫn giữ được vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, nhưng đã bị đội đầu bảng Man City bỏ xa với khoảng cách 3 điểm. Quá bức xúc trước trận hòa đáng thất vọng của đội nhà và trước lối chơi “tử thủ” của các vị khách, chiến lược gia người Bồ đã lớn tiếng công kích đối thủ: “Thật khó tin, nhưng đây không phải là Premier League , giải đấu được biết đến là hay nhất thế giới mà là thứ bóng đá của thế kỉ 19. Ngoài ra, cứ mỗi lần đá phạt, họ câu giờ được hai phút và trọng tài đã sai khi chỉ bù giờ có 4 phút”.
“Thật khó để chơi bóng khi chỉ có một đội muốn điều đó, trong khi mỗi trận đấu là câu chuyện giữa 2 đội bóng. Tôi đã nói chuyện với HLV Allardyce, họ cần điểm nhưng liệu cách chơi như vậy có chấp nhận được không? Tất nhiên là có, nhưng chỉ là ở góc độ họ cần điểm để trụ hạng”.
Cuối cùng, Mou nói đầy mỉa mai: “Điều duy nhất tôi cần làm là máy khoan của Black & Decker để dùng chúng xuyên thủng bức tường do West Ham dựng nên”.
Thực tế, những bức xúc của Người đặc biệt sau trận đấu là hoàn toàn dễ hiểu khi đội bóng của ông phải hứng chịu một kết quả cực kỳ thất vọng trước một đối thủ yếu hơn hẳn. Nhất là trong một trận đấu mà Chelsea của ông đã hoàn toàn áp đảo về mọi chỉ số phụ, ngoại trừ bàn thắng.
Còn với các cầu thủ West Ham và với HLV Allardyce, việc họ chọn lối chơi “tử thủ” là hoàn toàn dễ hiểu, và có thể thông cảm. Trước một đội bóng đẳng cấp hơn, có nhiều cầu thủ xuất sắc hơn, lại được thi đấu trên sân nhà nếu không chơi phòng ngự thì các vị khách chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại. Nhất là khi The Hammer đang xếp tận thứ 18 trên bảng xếp hạng và nguy cơ rớt hạng đang hiện rõ trước mắt. Trong hoàn cảnh như vậy, phòng ngự chính là lối chơi hợp lý nhất có thể đối với đội bóng được mệnh danh là những chiếc búa này. Nên nhớ, trận hòa này mới là lần thứ 2 kể từ năm 2002 West Ham giành được điểm mỗi khi phải hành quân tới Stamford Bridge.
Mou còn nhớ hay ông đã quên
Khi Mou lên tiếng công kích đối thủ có lẽ ông đã quên rằng nếu xét về độ thực dụng, phản bóng đá thì chính ông mới là “bậc thầy”, chứ không phải ai khác.
Trong suốt sự nghiệp cầm quân của mình, từ Porto tới Chelsea, Inter và kể cả khi dẫn dắt một đội bóng nổi tiếng về lối chơi tấn công hoa mỹ như Real, Người đặc biệt vẫn luôn lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công, các đội bóng do Mou dẫn dắt luôn tìm cách phá nát lối chơi của đối thủ. Và với Mou, thực dụng là cách duy nhất để giành chiến thắng. Và với mục đích đó, đã không ít lần Người đặc biệt sử dụng những chiêu trò để giành chiến thắng bằng mọi giá.
Trước khi dò xét người khác, Mourinho nên xem lại chính mình
Hẳn rất nhiều người sẽ không thể quên việc Mou từng cho đổ hàng chục tấn cát xuống sân Stamford Bridge khi Chelsea của ông tiếp Barca trong khuôn khổ vòng 1/8 Champions League năm 2007. Mou từng chỉ đạo các học trò chơi thứ bóng đá phòng ngự hết sức tiêu cực trong trận bán kết lượt về Champions League năm 2010 giữa Inter và Barca. Một trận đấu mà tất cả 10 cầu thủ của ông hầu như không di chuyển qua vạch giữa sân sau khi Thiago Motta bị đuổi khỏi sân ở phút 28.
Dưới thời của Mou, ông đã biến những trận “Siêu kinh điển” giữa Real và Barca thành những “võ đài” không hơn không kém. Ở đó, ông đã chỉ đạo các học trò bằng mọi cách phải triệt phá lối chơi kỹ thuật của Barca, biến những Pepe, Ramos thành những “đấu sỹ” trên võ đài. Con số 7 thẻ đỏ mà các hậu vệ của Real phải nhận trong những trận cầu “Siêu kinh điển” với Barca do Mou dẫn dắt đã nói lên tất cả.
Như người ta vẫn nói: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Chiến thuật mà HLV Allardyce áp đụng đêm qua cũng chẳng khác gì cách mà Mou đã dùng để hạ Barca trước đây. Do đó, hay vì lớn tiếng công kích đối thủ, Người đặc biệt cần phải trách chính các học trò của ông mới đúng khi họ đã không thể tìm được đường vào khung thành của đối phương. Hãy hỏi xem, những chân sút lừng danh như Oscar, Hazard, Eto'o tại sao lại không thể ghi bàn trước một West Ham yếu hơn hẳn về mọi mặt? họ đã làm gì với 39 cơ hội đã tạo ra? Còn nếu không hành động công kích đối thủ của ông cẳng khác gì tự tay “tát” vào mặt mình mà thôi!