Bóng đá Việt Nam và bê bối ở thượng tầng: Scandal hay những chiêu trò trước thềm Đại hội VFF?

Khánh Đăng |

Gần đến ngày Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khoá VIII, rất nhiều scandal liên quan đến các lãnh đạo VFF xuất hiện. Và chính những người trong cuộc cũng chia sẻ, họ đang là nạn nhân của các chiêu trò nhằm hạ bệ uy tín lẫn nhau.

Tuy nhiên, sự thật như thế nào còn phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Trong số 5 thành viên Thường trực VFF hiện tại là Chủ tịch Lê Hùng Dũng, các Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Xuân Gụ và Uỷ viên Trần Anh Tú thì có 4/5 người (trừ ông Lê Hùng Dũng) là những ứng viên đã được giới thiệu tham gia tranh cử ở Đại hội VFF khoá VIII. Thế nhưng, tất cả những ứng viên này đều đã bị “đánh” tơi tả.

Nghiệt ngã ứng viên Chủ tịch VFF

Người bị “đánh” nhiều nhất là ông Trần Quốc Tuấn. Ông Tuấn là 1 trong 4 ứng viên tham gia tranh cử vào chức Chủ tịch VFF khoá VIII. Nếu như 3 người còn lại khá bình yên thì ông Tuấn lại gặp nhiều sóng gió nhất trong vai trò Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn và đối ngoại. Liên tiếp các lá đơn tố cáo ông Tuấn được tung ra ở nửa sau nhiệm kỳ VII mỗi lúc một nhiều, liên quan đến nhiều vụ việc khác nhau.

Và dù nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng kết luận không có sai phạm thì đến gần sát đại hội, khi danh sách ứng viên được công bố, ông Tuấn lại dính vào những vụ kiện cũng với các nội dung đã cũ nhưng lần này là theo tổ chức Đảng. Thế nên, vấn đề xử lý sẽ do các tổ chức Đảng từ cấp Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và VFF.

Cụ thể, sau khi Đảng uỷ Tổng cục TDTT nhận được công văn của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về sự việc của ông Trần Quốc Tuấn đã có chỉ đạo cụ thể với Cấp uỷ Chi bộ VFF 2 nội dung cụ thể cần làm rõ là: “Điều chuyển cán bộ, chấm dứt hợp đồng vô cớ với cán bộ không mắc khuyết điểm; thay biển số xe từ biển trắng sang biển 80A xanh sai quy định nhà nước, đưa vợ và người thân nắm toàn bộ chi tiêu bếp ăn của VĐV”.

Nếu như câu chuyện về xe biển xanh đã được giải quyết từ những lần khiếu nại trước đây một cách ổn thoả thì câu chuyện liên quan đến bếp ăn lại thật bi hài. Qua tìm hiểu, được biết, người phụ trách bếp ăn của VFF tên là Kim Dung, trùng với tên của vợ ông Tuấn. Không hiểu vì nguồn tin nào mà đối tượng tố cáo đã đưa chi tiết này vào trong đơn kiện. Câu chuyện khiến những người ở VFF cho biết, nếu không phải nội bộ thì không ai đưa tin thất thiệt như vậy ra ngoài.

Và với những tin đồn thất thiệt, thậm chí các vụ việc được thanh tra đến cùng, ông Tuấn nhiều khả năng bị gạt ra khỏi cuộc đua ngay từ “vòng gửi xe”. Nên nhớ rằng, trong số 4 ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII, ông Trần Quốc Tuấn là người đã nhận được nhiều phiếu giới thiệu nhất từ các thành viên VFF.

“Cuộc chiến” bầu Đức - bầu Tú

Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức từng nhiều lần tuyên bố sẽ từ chức nếu U22 Việt Nam bị loại khỏi SEA Games 2017. Và ông đã thực hiện lời hứa đó sau khi thầy trò HLV Hữu Thắng bị loại đau đớn từ vòng bảng trên đất Malaysia. Thế nhưng, sau khi ông Đức xin từ chức, Ban chấp hành VFF đã họp và các ý kiến biểu quyết đa số không đồng ý để ông Đức rời ghế Phó Chủ tịch VFF. Ông Đức chỉ được rời ghế “nóng” khi nhiệm kỳ VII kết thúc. Và thế là ông Đức buộc phải ở lại.

Bầu Đức nhất quyết bảo lưu quan điểm sẽ không tham gia bộ máy lãnh đạo VFF. Và đến khi Tiểu ban nhân sự Đại hội VIII lên danh sách các ứng viên, có trao đổi và hỏi ý kiến bầu Đức thông qua lãnh đạo CLB HAGL và biết nguyện vọng của ông là “không tham gia”. Thế nên mới có chuyện, bầu Đức dù được các tổ chức thành viên giới thiệu vào chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ nhưng lại không có tên trong danh sách. Câu chuyện này khiến bầu Đức bức xúc, bởi ông cho rằng, dù bản than xin rút nhưng theo luật vẫn phải có tên trong danh sách được giới thiệu ứng cử. Hơn nữa, mọi vấn đề Tiểu ban nhân sự phải làm việc bằng văn bản chứ không có chuyện qua điện thoại.

Đáng chú ý, trong các tiêu chí mà Tiểu Ban nhân sự đại hội xây dựng đã đưa tiêu chí ứng viên vào BCH cũng như các vị trí chủ chốt phải có bằng đại học đã gây tranh cãi kịch liệt. Điều này đã khiến bầu Đức “tự ái” và cho rằng, đang có âm mưu loại ông khỏi VFF. Lúc này, bầu Đức mới nêu quan điểm rằng, dù ông xin rút khỏi các chức danh chủ chốt nhưng vẫn muốn tham gia ban chấp hành để có những ý kiến đóng góp với VFF khi cần. Và dù ở đợt bầu bổ sung lần 2, khi tiêu chí bằng đại học được bỏ, bầu Đức thậm chí được giới thiệu vào chức danh chủ tịch. Thế nhưng lúc này ông bầu phố Núi đã từ bỏ hoàn toàn cuộc đua vào VFF.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông lại là tâm điểm của sự chú ý khi diễn ra cuộc “lùm xùm” với bầu Tú - người tham gia tranh cử chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Bởi lẽ, ông Đức cho rằng, ông Tú ôm quá nhiều chức vụ sẽ không đảm bảo công việc và có nguy cơ thâu tóm quyền lực để chi phối. Thế nên, từ chuyện phản đối của bầu Đức đã diễn ra 1 “trận đánh” tổng lực từ nhiều phía, chính điều này đã khiến Bộ VHTTDL phải làm việc trực tiếp với Tổng cục TDTT và VFF.

Sau rất nhiều áp lực, sức ép thì bầu Tú cuối cùng phải xin rút khỏi cuộc đua tranh vào chiếc ghê Phó Chủ tịch VFF. Theo ông thì nhiều nhà tài trợ muốn hợp tác với cả VPF và VFF trong nhiều sự kiện, thế nên đó là cơ hội và ông muốn kiêm nhiệm chức danh này nhưng đã không được thực hiện. Và ông Tú đã phải thốt lên đầy đau đớn là “không hiểu sao mình bị đánh” nhiều như vậy.

Chuyện buồn ông Hùng, ông Nguyễn Xuân Gụ

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam còn chưa hết lâng lâng với cơn sốt U23 thì họ phải nhận hết cú sốc này đến cú sốc khác từ thượng tầng VFF.

Như chuyện rò rỉ băng ghi âm của cựu Phó Chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng là 1 điển hình. Cần phải nhìn thực tế, chuyện liên quan đến đoạn băng ghi âm “tố cáo” những lời lẽ thô tục của ông PCT VPF Trần Mạnh Hùng đe doạ, xúc phạm ông Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền những ngày qua khiến hình ảnh của bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí. Thế nhưng, đáng buồn hơn là từ câu chuyện của ông Hùng, người ta lại được thấy dấu hiệu của việc “đấu đá” trước thềm Đại hội VFF khoá VIII. Thậm chí, những người trong bộ máy lãnh đạo hiện tại của VFF cũng bị lôi ra quy trách nhiệm một cách quá đà. Ở góc độ nào đó, có thể coi cả ông Hùng và ông Hiền đều là nạn nhân và bị lợi dụng cho những mục đích nhằm hạ bệ uy tín lãnh đạo VPF và VFF.

Kết cục, ông Hùng buộc phải từ chức trong cái nhìn khắc nghiệt của dư luận. Thế nhưng mặt khác, ông Hùng đang bị gây áp lực không nhỏ khi chính ông là 1 trong ứng viên cho chức danh Phó Chủ tịch VFF khoá tới. Nhiều khả năng, ông Hùng sẽ đứng ngồi không yên mà tranh cử.

Chuyện ông Hùng chưa dịu xuống thì đến lượt ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông và đối nội - dính vào scandal “mua dâm” khiến dư luận xôn xao. Sau khi xác minh thông tin, VFF còn ra hẳn 1 thông báo trên website chính thức về vụ việc này kèm theo thông tin ông Gụ bị công an làm việc do không đăng ký tạm trú cho cô gái đi cùng. VFF cũng đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Gụ báo cáo giải trình khiến ông chỉ biết ngậm ngùi mình bị “gài bẫy”?!.

Điều đáng nói, sự vụ này đã khiến cho hình ảnh, uy tín cá nhân của ứng viên cho chức Phó Chủ tịch VFF khoá VIII bị hạ bệ luôn. Với scandal này, gần như chắc chắn ông sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử ở nhiệm kỳ tới.

Việc kiểm tra hành chính trong khách sạn lúc nửa đêm thuộc về phần đời tư của ông Gụ. Nhưng ở cái thế của ông và trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang gặp nhiều bê bối ở thượng tầng trước thềm đại hội khiến nhiều người không thể không quan ngại về sự thành công của sự kiện này.

Nhìn vào những lãnh đạo chủ chốt của VFF tham gia ứng cử ở Đại hội khoá VIII, gần như tất cả đều dính líu đến những vụ scandal theo cách khác nhau để rồi nhiều người đã phải tự rút lui khỏi cuộc đua sau khi “dính đòn”.

Các quan chức “đánh nhau” và bóng đá Việt thành bức tranh màu xám ở thượng tầng, đáng trách và đáng buồn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại