Bóng đá Việt Nam đối mặt nhiều nỗi lo sau thất bại ở AFF Cup 2020
ĐT Việt Nam đã phải dừng cuộc chơi ở bán kết AFF Cup 2020. Cho dù đưa ra bất cứ lý do nào, đây vẫn là thất bại, nhất là khi thầy trò Park Hang-seo đang ở vị thế nhà ĐKVĐ và được đánh giá rất cao trước khi giải đấu khởi tranh ở Singapore.
Có thể xem nhẹ thất bại này khi ví nó với 1 trận chiến đơn lẻ. Để thành công, có nhiều yếu tố quyết định, trong đó phải kể tới phong độ. Khó có thể nói rằng ĐT Việt Nam bước vào AFF Cup 2020 với phong độ tốt nhất sau 6 trận toàn thua ở vòng loại thứ 3 World Cup. Ảnh hưởng của tâm lý là khá rõ rệt.
Nhưng trong cả cuộc chiến thì sao? Thất bại ở AFF Cup 2020 sẽ trở nên nghiêm trọng nếu nó phản ánh một thực tế là ĐT Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã đi tới giới hạn. Bóng đá luôn vận động! Nếu bạn dậm chân tại chỗ cũng đồng nghĩa sự tụt hậu.
3 năm qua, bóng đá Việt Nam đã thống trị Đông Nam Á với 2 danh hiệu lớn nhất là chức vô địch AFF Cup 2018 và HCV bóng đá nam SEA Games 2019. Nó mang tới cảm giác rằng chúng ta đang ở trên đỉnh và tất cả chỉ là sự khởi đầu. Đánh giá một chiều của truyền thông càng khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm.
Thất bại ở AFF Cup 2020 của ĐT Việt Nam không đáng bàn bởi đây chỉ là 1 trận chiến. Lứa cầu thủ hiện tại của HLV Park vẫn đủ sức cạnh tranh ngôi vương Đông Nam Á ở các kì AFF Cup tới. Nhưng tương lai thì sao? Đây là dấu hỏi lớn.
Hãy để ý danh sách 30 cầu thủ mà HLV Park Hang-seo đăng ký tham dự AFF Cup 2020. Chúng ta chỉ có vỏn vẹn 6 cầu thủ thuộc lứa U23 là Thanh Bình, Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh, Văn Chuẩn và Văn Đạt. Ngoại trừ Văn Xuân (ra sân ở những phút cuối trận lượt về bán kết), tất cả đều không có cơ hội, thậm chí không được đăng ký ở các trận đấu.
Văn Xuân là cầu thủ duy nhất của lứa U23 được ra sân ở AFF Cup 2020
HLV Park thận trọng là điều dễ hiểu bởi AFF Cup là giải đấu có ý nghĩa quan trọng với NHM bóng đá nước nhà. Nhưng nó đã phản ánh một thực tế rất rõ là ĐT Việt Nam đang rất thiếu lứa thế hệ kế cận.
Còn các đội tuyển khác ở Đông Nam Á thì sao? Hãy cùng để ý tới Indonesia. Cuộc cách mạng của HLV Shin Tae-yong đã tạo ra sự khác biệt lớn cho đội bóng này. Càng đáng chú ý hơn khi Indonesia mang tới AFF Cup 2020 đội hình có tới 12 cầu thủ từ độ tuổi 22 trở xuống. Thậm chí, nhiều cầu thủ trong số đó đang là trụ cột của đội bóng xứ vạn đảo như Witan Sulaeman, Egy Maulana, Pratama Arhan, Asnawi Mangkualam, Alfeandra Dewangga hay Elkan Baggott…
Ở AFF Cup 2020, Thái Lan cũng tạo cơ hội ra sân cho nhiều cầu thủ trẻ, trong đó có trung vệ Kritsada Kaman và tiền vệ Thanawat Suengchitthawon thường xuyên đá chính. Nếu không chịu áp lực danh hiệu, HLV Polking có thể còn sử dụng đội hình trẻ hơn thế tại Singapore.
Ngoài Indonesia và Thái Lan, nhiều đội bóng khác cũng mạnh dạn cho nhiều cầu thủ trẻ tuổi teen ra sân. Còn với ĐT Việt Nam, ngoài thất bại, hy vọng cho tương lai là không nhiều.
Chẳng nói đâu xa, sau AFF Cup 2020, bóng đá Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu bảo vệ tấm HCV bóng đá nam SEA Games. Đây là mục tiêu rất khó nếu nhìn những gì HLV Park Hang-seo đang có trong tay.
HLV Park đã hết chu kì thành công cùng bóng đá Việt Nam?
Cách đây 2 năm, trên hành trình chinh phục tấm HCV lịch sử, U23 Việt Nam thành công nhờ sở hữu rất nhiều cầu thủ thường xuyên được trao cơ hội ở màu áo ĐTQG như Tấn Tài, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Đức Chinh, Hoàng Đức, Thành Chung, Quang Hải hay Tiến Linh… Nhưng hiện tại, lứa U23 Việt Nam của HLV Park không có nhiều nhân tố sáng giá.
Những nhân tố sáng giá nhất của U23 Việt Nam như Thanh Bình, Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh, Văn Chuẩn hay Văn Đạt gần như không có cơ hội ra sân ở ĐTQG. Đã có khoảng trống lớn xuất hiện giữa ĐTQG và lứa thế hệ kế cận là U23. Đây là điều đáng báo động!
Tựu chung lại, thành công mà HLV Park Hang-seo có được cùng bóng đá Việt Nam trong 3 năm qua gói gọn trong một nhóm cầu thủ tài năng với nòng cốt là lứa đã giành vé dự VCK U20 thế giới 2017 và thế hệ giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018. Nó chỉ mang tính thời điểm chứ không phải sự tiến bộ bền vững. Nếu vậy thì thành công cũng chỉ là chu kì mà thôi...