Bóng đá SEA Games: Chỉ nên coi là bàn đạp

N.P |

Trong khi các đối thủ không còn quá coi trọng SEA Games đối với môn bóng đá, Việt Nam có vẻ vẫn “sống chết” với đấu trường này.

Bằng chứng rõ nhất là mới đây khi chỉ đạo ngành thể thao chuẩn bị công tác đăng cai SEA Games 31, Tổng cục TDTT đã “nhận lệnh” từ phía trên: “tổ chức thế nào thì điền kinh và bóng đá nam phải giữ ngôi vị số 1”. Với dân chuyên thì điền kinh là hiển nhiên bởi đây là môn thể thao cơ bản, nhưng bóng đá nam lại có tính chất rất khác.

SEA Games trên thực tế chỉ là sân chơi cho bóng đá trẻ. Trước đây, độ tuổi giới hạn với môn bóng đá nam tại các kỳ đại hội khu vực Đông Nam Á là 23, nhưng hiện nay đã được rút xuống lứa U22, tức đã được “trẻ hóa” thêm 1 bậc. Vài kỳ SEA Games gần đây, các quốc gia trong khu vực, đặc biệt những nước mạnh như Thái Lan đã không còn quá mặn mà với tấm HCV môn bóng đá nam. Nói người Thái không còn thích vô địch SEA Games thì không đúng, bởi vào giải, bất kỳ đối thủ nào cũng sẽ nỗ lực hết sức. Nhưng định hướng và mức độ đầu tư cho môn bóng đá ở SEA Games của Thái Lan đã có sự thay đổi. SEA Games không còn là đích ngắm mà chỉ là bàn đạp để bóng đá trẻ Thái Lan hướng tới các đấu trường lớn, dài hơi.

Tại SEA Games 30 (Philippines), đội U22 Thái Lan chỉ tập trung ngắn ngày, và cũng không tung lực lượng mạnh nhất tham dự. Họ cũng không tận dụng triệt để quyền bổ sung 2 cầu thủ ở ĐTQG giống như cách HLV Park Hang Seo có thể mang Trọng Hoàng và Đỗ Hùng Dũng tới Manila. Trọng Hoàng và Hùng Dũng chính là một trong những yếu tố tạo nên khác biệt của U22 Việt Nam với các đối thủ. Môn bóng đá nam tại SEA Games 30 thậm chí được nước chủ nhà Philippines tổ chức trên các sân cỏ nhân tạo, bị đánh giá là làm giảm đi rất nhiều sự hấp dẫn.

Ở SEA Games 31 sắp tới, Thái Lan vì nhiều lý do khác nhau đã bắn đi thông tin tiếp tục không sử dụng đội hình mạnh nhất. Mới đây, tới lượt Malaysia cũng đưa ra thông điệp tương tự. Sau cuộc họp BCH ít ngày trước, Hiệp hội Bóng đá Malaysia (FAM) quyết định sẽ cử đội U19 thi đấu ở SEA Games 31. Ý đồ của FAM là lấy SEA Games làm mặt trận rèn quân cho lứa cầu thủ trẻ với đích ngắm xa hơn là Vòng loại Olympic 2024.

Thực tế, không phải Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không có những tính toán như đối thủ, nhưng ở đây hiện còn vướng vấn đề rất lớn - tâm lý của một bộ phận công chúng vẫn muốn “ăn thua” với tấm HCV SEA Games. Điều này tạo áp lực lớn lên những nhà lãnh đạo thể thao và cả VFF. Một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT (nay đã nghỉ hưu) từng than thở, dẫu các môn thể thao khác thắng lợi bao nhiêu ở SEA Games thì chỉ cần bóng đá nam thua coi như bị đánh giá không thành công. Thế nên mới có chuyện như ở SEA Games 30, HLV và VĐV nhiều môn khác không khỏi chạnh lòng khi 2 đội bóng đá nam và nữ được lãnh đạo ngành thể thao thưởng tiền tỷ dù đã nhận thưởng rất lớn từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Trong khi đó, họ vượt khó khăn, đem vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng sự tưởng thưởng lại chẳng bao nhiêu.

HLV Park Hang Seo từng có ý định giao trợ lý dẫn dắt đội U22 Việt Nam tại SEA Games 30. Nhưng sau các cuộc làm việc với ngành thể thao, ông Park buộc phải thay đổi ý định. Bóng đá nếu không chậm chuyển đổi mục tiêu có thể đối diện nguy cơ tụt lại sau các đối thủ trong khu vực. Nhưng để bắt đầu, có thể phải xuất phát ngay từ tư duy của những nhà quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại