Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa 462,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7%; thu từ dầu thô 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 43,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 90,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 84,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 95 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 646,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm.
Trong đó chi thường xuyên đạt 474 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9%; chi trả nợ lãi 60,1 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8%; riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 110 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán năm.
Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2017, ngân sách nhà nước bội chi 61,8 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý II, Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, bội chi ngân sách nhà nước giảm đáng kể trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, ngân sách nhà nước sẽ trở nên mất cân bằng một cách nghiêm trọng, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ suy giảm hoặc phải tiếp tục vay nợ để bổ sung.