Boeing dự báo các hãng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới trong 20 năm tới, với trị giá 710 tỷ USD theo giá niêm yết.
Sự tăng trưởng này kéo theo nhu cầu về các dịch vụ hàng không thương mại trị giá 785 tỷ USD trong giai đoạn từ 2019 đến 2038. Thị trường hàng không Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng lần này. Đến năm 2038, đội máy bay của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần.
Nội dung này là một phần của bản Dự báo Thị trường Thương mại thường niên công bố vào ngày 24/10 của Boeing (CMO), có phạm vi dự báo xa nhất trong ngành và được đánh giá là phân tích toàn diện nhất trong ngành hàng không.
"Ngành hàng không Việt Nam đã và đang tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm vừa qua, với số lượt hành khách tăng gấp ba lần và số lượng máy bay tăng gấp đôi." ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại thuộc Boeing cho biết.
"Với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh nhất Đông Nam Á, song song với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nội địa và quốc tế, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới".
Động lực tăng trưởng số 1 của hàng không chính là tăng trưởng kinh tế, đó chính là yếu tố mà Việt Nam đang đi đầu. Trong 5 năm tới Việt Nam vẫn sẽ duy trì tăng trưởng trên 6% và cao hơn nhiều so với khu vực.
Bên cạnh đó là sự tăng trưởng thu nhập của người dân để duy trì thu nhập đủ để mua máy bay. Trong 15 năm tới, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và sẽ có khoảng 15 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu. Và theo quan sát của Boeing thì tầng lớp này là động lực tăng trưởng hàng đầu của hàng không quốc tế.
Những yếu tố đó đã thúc đẩy thị trường nội địa Việt Nam mở rộng đến 4 lần, từ 800.000 ghế mỗi tháng năm 2009 lên đến 3,3 triệu ghế mỗi tháng vào năm 2019.
Loại máy bay một lối đi được dự báo vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đội máy bay dùng để khai thác các tuyến nội địa và trong khu vực của Việt Nam, với số chuyến bay nội địa tăng 3,5 lần trong thập kỷ qua, từ 5.340 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2009 lên 18.680 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2019.
Cơ hội mở rộng thêm các đường bay dài cũng thúc đẩy nhu cầu về dòng máy bay thân rộng.
Trong năm qua, 50 điểm đến quốc tế mới đã được thúc đẩy khai thác từ Việt Nam, và các máy bay thân rộng được chế tọa với công nghệ ới sẽ giúp các hãng hàng không Việt Nam trong tương lai đáp ứng hai trong số những thị trường còn trống lớn nhất từ Việt nam đến Bắc Mỹ như đường bay từ TP.HCM đến Los Angeles, và từ TP.HCM đến San Francisco.
Ngày 15/2/2019 – Cục Hàng không Liên bang (FAA) thuộc Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã thông báo rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và đã được xếp hạng 1.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã được cấp giấy phép khai thác các chuyến bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến một số điểm đến tại Hoa Kỳ cũng như các chuyến bay quá cảnh qua các điểm tại Đài Bắc (Đài Loan) và Osaka và Nagoya (Nhật Bản).
Hãng sẽ được phép bay đến Los Angeles, San Francisco, New York, Seattle và Dallas-Fort Worth, đồng thời cũng có thể quá cảnh từ đó và bay tiếp các chuyến bay đến các thành phố ở Canada như Vancouver, Montreal và Toronto.
Các hãng hàng không Việt Nam khác như VietJet Air và Bamboo Airway cũng sẽ được phép nộp đơn xin phê duyệt theo quy định cần thiết để bay thẳng đến các thành phố của Hoa Kỳ.
Trên phạm vi toàn cầu, Boeing dự báo trong 20 năm tới, nhu cầu về máy bay thương mại mới sẽ đạt 44.040 chiếc với trị giá 6,8 nghìn tỷ USD và nhu cầu dịch vụ hậu mãi sẽ có tổng trị giá đến 9,1 nghìn tỷ USD.