Bộ trưởng Y tế: Thuốc có gì mà để giá cao thế?

HOÀNG LAN |

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận giá thuốc cao sẽ dễ khiến dư luận hoài nghi đằng sau thuốc có gì mà giá cao thế.

Trao đổi tại hội nghị triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng năm 2018-2020 diễn ra ngày 22-12, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận thời gian qua thực tiễn giá thuốc có rất nhiều vấn đề như té nước theo mưa, cùng một loại thuốc nhưng có nhiều chênh lệch về giá giữa các bệnh viện.

Tuy hình thức đấu thầu thuốc liên tục thay đổi hành lang pháp lý nhưng những vấn đề trên vẫn nổi cộm.

Bà Tiến dẫn chứng tại các nước phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Newzealand, Mỹ có những cơ quan chuyên về đấu thầu thuốc.

Đấu thầu tập trung là xu hướng quốc tế, mua nhiều thì giá phải rẻ. Theo bà Tiến, giá thuốc cao là một gánh nặng không nhỏ cho ngân sách.

Những thuốc biệt dược, gần hết bản quyền mà giá vẫn cao dứt khoát phải đàm phán giá giảm và khuyến khích nhượng chuyển quyền, sản xuất trong nước.

Bà Tiến cho biết năm 2016, BHYT chi 31.000 tỉ đồng cho giá thuốc, chiếm 41% tổng chi BHYT. “Giá thuốc tăng cao thì các kỹ thuật, dịch vụ khám chữa bệnh khác sẽ kém đi, không đạt được mục đích trong quản trị...

Ngoài ra, toàn chi phí dành cho thuốc sẽ bị người dân đặt câu hỏi là tại sao quản lý giá thuốc không tốt, không biết quản trị, giá thuốc có gì mà để quá cao”, bà Tiến nhận xét.

Theo bà Tiến, lần đầu tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, kết quả trúng thầu giảm được 17% so với giá kế hoạch.

Bà Tiến hy vọng phương pháp tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đang được triển khai thực hiện sẽ kiểm soát tốt giá thuốc, tránh sự chênh lệch giữa nơi này nơi kia, gây thiệt hại và tâm tư cho bệnh nhân.

Bà Tiến cho biết sau đấu thầu thuốc, trong tương lai gần, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua sắm tập trung vật tư tiêu hao, tương lai xa nữa là trang thiết bị để tiết kiệm chi phí và minh bạch kết quả.

Bà Tiến yêu cầu các bệnh viện báo cáo những tình huống phát sinh khi thực hiện đấu thầu thuốc theo phân cấp, nhưng tuyệt đối không để giá thuốc vọt lên, thiệt cho bệnh nhân và Sở Y tế phải thẩm định chặt chẽ.

Là một trong những thành phố đi đầu trong đấu thầu thuốc tập trung, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận đấu thầu thuốc tập trung giúp thống nhất giá thuốc trong các bệnh viện ở thành phố, quận, huyện, đảm bảo chất lượng thuốc điều trị và giá cả hợp lý.

Việc đấu thầu thuốc tập trung với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm giúp cho giá trúng thầu giảm mạnh so với trước.

Đấu thầu tập trung giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức và lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị cũng như các nhà thầu, nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp tham gia và tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu...

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý trường hợp nhà thầu không cung ứng được thuốc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc diện rộng trên cả địa bàn.

Các thuốc có độ chênh lệch nhiều về chất lượng, kỹ thuật vẫn được xếp chung một nhóm, như vậy thuốc có chất lượng thấp với giá thấp nhất trong nhóm sẽ trúng thầu...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại