“Chúng tôi quan tâm tới khu vực Thái Bình Dương, vùng biển mang tên hòa bình. Chúng tôi sẽ duy trì hòa bình ở khu vực này. Tất cả các quốc gia sử dụng vùng biển này và sinh sống ở đây đang được hưởng cuộc sống thịnh vượng”, tờ Business Times dẫn lời ông Mattis phát biểu trước giới phóng viên trước khi lên máy bay thực hiện chuyến công du.
Theo kế hoạch, ông Mattis sẽ đặt chân tới Jakarta vào chiều nay (22/1) để bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tại Indonesia. Ông Mattis sẽ gặp gỡ Tổng thống Joko Widodo và Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu để thảo luận về vấn đề hợp tác hàng hải vào ngày mai (23/1).
Còn tại Việt Nam trong hai ngày 24 – 25/1, Bộ trưởng Mattis sẽ gặp gỡ và thảo luận cùng các quan chức Việt Nam về tình hình Biển Đông, khu vực đang chứng kiến tốc độ quân sự hóa trái phép một cách nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Cụ thể, Trung Quốc đã đơn phương cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo nằm trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam) đồng thời đưa vũ khí tới những khu vực này.
“Tôi muốn nhấn mạnh là Mỹ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia châu Á thông qua tuyên bố và quyết định về chủ quyền. Chúng tôi nghĩ rằng không một ai có quyền phủ nhận nền kinh tế, ngoại giao hay quyết định an ninh của những quốc gia này. Chúng tôi tôi trọng các nước châu Á”, ông Mattis nhấn mạnh.
Theo giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, “Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là không liên minh và không đặt bất cứ căn cứ quân sự của quốc gia nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam giúp quốc gia này trở nên mạnh mẽ”.
Theo Business Times, chuyến thăm của ông Mattis tới châu Á lần này có thể tập trung vào những vấn đề nóng hiện thời trong khu vực bao gồm việc gia tăng sức ép với Triều Tiên cũng như giải quyết việc hàng trăm tay súng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS từng chiến đấu ở Iraq và Syria đang trở thành mối đe dọa tấn công khủng bố ở khu vực Đông Nam Á.