Bộ trưởng Quốc phòng Mattis từ chức: Chính sách của Mỹ sẽ thay đổi thế nào?

Thùy Linh |

Đối với cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ và các đồng minh nước ngoài, tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là điều bất ngờ đáng tiếc.

Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu năm 2018 với một chính phủ có nhiều tướng lĩnh đương nhiệm và các cựu tướng lĩnh quân đội để kiềm chế chính sách ngoại giao kiểu ngẫu hứng của ông. Các nhân tố ổn định đó đều lần lượt rời khỏi bộ máy, cả bị sa thải và từ chức, khiến các mối quan hệ quốc tế của Tổng thống Trump trở nên vô cùng khó dự đoán.

Dưới đây là 4 yếu tố nổi bật nhất có thể dự đoán được khi ông James Mattis từ chức Bộ trưởng Quốc phòng:

Trump sẽ phải tự đưa ra các chính sách ngoại giao

Mọi chuyện bắt đầu với việc sa thải Cố vấn an ninh Quốc gia H.R. McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson, đến Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và giờ là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố từ chức.

Cả 4 nhân vật này đều được coi là ảnh hưởng có mức độ vừa phải đối với ông Trump trong các vấn đề như cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Triều Tiên hay sự hỗ trợ của quân đội Mỹ đối với các đồng minh NATO và châu Á.

Tính đến cuối tháng 2 năm sau, thì tất cả những người này đều đã rời khỏi bộ máy của ông Trump, với sự thay thế bởi những người có quan điểm cứng rắn kiểu như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Điều này được thể hiện trên nhiều mặt trận, từ thương mại tới chính sách vũ khí hạt nhân. Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Buenos Aires kết thúc ngày 1/12, ông Trump tuyên bố trên Twitter về ý định gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm mới để giải quyết các căng thẳng toàn cầu và buôn bán vũ khí.

Tổng thống Mỹ hiện có nhiều khả năng sẽ bước vào những cuộc gặp đó – nếu nó diễn ra – và cảm thấy ít bị hạn chế trong các lựa chọn của ông. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra với cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một Tổng thống Trump không bó buộc, tự do hơn có thể cũng sẽ theo chủ nghĩa biệt lập hơn, và cũng sẽ tiềm tàng những hành động “bốc đồng” hơn.

Ở Trung Đông, Mỹ sẽ nhường sân cho người khác

Lá thư từ chức của ông James Mattis cho thấy, tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump về việc ngay lập Mỹ rút quân khỏi Syria, tiếp sau đó lại là việc rút quân khỏi Afghanistan là giọt nước làm tràn ly đối với vị Bộ trưởng Quốc phòng từng là Tướng 4 sao của Thủy quân lục chiến này.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, Lầu Năm Góc đã bảo vệ quan điểm tăng cường thêm nguồn lực cho các cuộc xung đột ở cả 2 nước này bất chấp những ác cảm lâu nay của Tổng thống đối với sự can thiệp quân sự lâu dài trong khu vực.

Nếu Tổng thống Trump không rút lại quyết định Mỹ rút khỏi Syria, sẽ có một kịch bản kịch tính trên thực địa. Ở Syria, động thái này không khác gì khuyến khích cả Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn tấn công nhằm vào người Kurd ở Syria – đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố (IS).

Các nước châu Âu sẽ phải quyết định nhanh chóng nếu họ muốn lấp đầy khoảng trống khi Mỹ rút quân.

Còn đối với cuộc chiến do liên quân Arab dẫn đầu ở Yemen, Mỹ đơn giản cho thấy họ ít can dự và để lại trận địa này cho các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran.

Nhà Trắng sẽ muốn tiếp tục gây áp lực đối với chương trình hạt nhân Iran bằng các lệnh trừng phạt và các biện pháp khác, nhưng sẽ không có sự can thiệp kiểu quân sự.

Lý do gì khiến Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Syria? VOV.VN - Đây không phải lần đầu ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Syria. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi về lý do tại sao nó lại được đưa ra vào thời điểm này.

Đồng minh châu Á và châu Âu lo ngại

Suốt 2 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, phần lớn vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis là đi khắp thế giới để xoa dịu các đồng minh của Mỹ và trấn an họ về sự ủng hộ lâu dài của Mỹ. Việc ông từ chức sẽ khiến các nước này đặt câu hỏi liệu những lời hứa hẹn đó có còn giá trị nữa hay không và họ sẽ phải theo dõi chặt chẽ mọi tín hiệu từ Nhà Trắng để xem chính sách sẽ thay đổi ra sao.

Câu hỏi lớn nhất là liệu ông Trump có làm rối loạn những cam kết của Mỹ ở châu Âu và châu Á– nơi mà Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc hay không.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh của Mỹ, nói rằng các nước này làm quá ít để đảm bảo quốc phòng của chính mình và ngày càng phụ thuộc vào chi tiêu của Mỹ.

Sau cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng 6/2018, Tổng thống Trump đã khiến nhiều người trong chính quyền của ông bất ngờ khi cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỳ với Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Cơn ác mộng thực sự đối với nhiều người ở Lầu Năm Góc và NATO là ông Trump giờ có thể thực hiện các hành động quân sự tương tự ở châu Âu, châu Á hay cả 2. Điều đó tiềm tàng khuyến khích các đối thủ của Mỹ và thậm chí là vô tình dấy lên một cuộc xung đột.

Mỹ sẽ theo chủ nghĩa biệt lập và bất ổn hơn

Điều này có thể sẽ còn phụ thuộc vào việc ai sẽ là người được lựa chọn thay thế ông Mattis – một lựa chọn dựa trên các yếu tố nhân vật nào mà ông Trump có thể “chịu đựng” được và ai sẽ sẵn sàng đảm nhận vị trí này.

Các kinh nghiệm cho thấy rằng, bất cứ ai được chọn cũng sẽ phải bao quát được quan điểm toàn cầu của Tổng thống Trump – điều sẽ ngày càng theo xu hướng biệt lập hơn và thậm chí đôi khi sẽ đi ngược lại so với những gì giới an ninh quốc gia Mỹ mong muốn.

Tuy nhiên, điều đó cũng rất khó đoán, bởi bản thân ông Trump cũng là người có sự mâu thuẫn. Ông đã nhiều lần nói về việc xây dựng một quân đội Mỹ hùng mạnh, nhưng tháng trước ông lại đề xuất cắt giảm chi tiêu quốc phòng để làm chậm lại cuộc chạy đua vũ trang.

Ông cũng thường thận trọng về các hành động quân sự những lại đẩy mạnh các cuộc không kích ở Afghanistan và một số nơi khác. Trong các cuộc đối đầu như với Nga ở Đông Âu hay thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, ông cũng có thể có những hành động mạnh mẽ hơn hoặc có cách tiếp cận hòa giải.

Chúng ta đã thấy điều này với Triều Tiên, nơi mà ông Trump ban đầu còn muốn xem xét về hành động quân sự hơn cả Lầu Năm Góc, nhưng sau đó lại chỉ đề xuất những nhượng bộ lớn hơn mức mà giới chức an ninh quốc gia cho là khôn ngoan.

2019 vốn đã được nhận định là nhiều biến động. Tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người vốn được coi là nhân tố ổn định ở Nhà Trắng, sẽ khiến cho bối cảnh trước mặt thêm kịch tính./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại