Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Cá nhân tôi là Bộ trưởng, tôi phản đối, kiên quyết chống tiêu cực'

Hoàng Đan |

Chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

16h ngày 26/10: Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình về một số vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục và đại biểu Quốc hội quan tâm về thừa, thiếu giáo viên.

11 người bị xử lý liên quan đến bê bối thi cử

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, trong đó có những vấn đề ngành nhận thức ra rồi nhưng việc khắc phục cần có thời gian, sự chung tay của toàn dân.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cá nhân tôi là Bộ trưởng, tôi phản đối, kiên quyết chống tiêu cực - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ông Nhạ nêu rõ, qua phát biểu của đại biểu Quốc hội cho thấy, cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề thi cử và đây là một trong những vấn đề gây chú ý, bức xúc của xã hội.

"Về thi chúng tôi thực hiện Nghị quyết của TƯ về đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo, trong đó, quy định rõ tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội, trung thực, khách quan và đánh giá đúng năng lực học sinh, đồng thời, là cơ sở xét tuyển cao đẳng, đại học trong cả nước.

Đến nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 44 tiến tới một kỳ thi đáp ứng về điều này. Chúng tôi đang thực hiện theo đúng chủ trương và có lộ trình thi gắn liền với đổi mới sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Nhạ thông tin, lộ trình đặt ra từ 2015 – 2020 theo hướng một kỳ thi đánh giá được năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT, sau đó làm cơ sở cho các trường Đâị học - Cao đẳng CĐ xét tuyển.

"Với kỳ thi này chúng tôi đã nhận thức được công tác chuẩn bị câu hỏi, đề thi là vô cùng quan trọng và cố gắng, sau từng năm đều có cải thiện, nâng cao tốt hơn. 

Đối với khâu về bảo mật đề thi thực hiện theo phần mềm và đảm bảo khâu tổ chức về chấm thi, thanh tra…

Qua các năm, mục tiêu đặt ra đỡ tốn kém cho xã hội, điều đó đã minh chứng rõ và nhiều bà con, học sinh đón nhận phương pháp này.

Đối với tính khách quan trung thực qua thi trắc nghiệm cũng đã khá rõ, tỷ lệ quay cóp giảm rất nhiều so với trước kia, như ở trường Đồi Ngô (Bắc Giang), Phú Xuyên (Hà Nội).

Vấn đề khắc phục yếu kém khi bộc lộ sự không trung thực, chúng tôi đã có xử lý. Khi xảy ra hiện tượng sai phạm, qua báo chí, chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng chỉ đạo xử lý. Cùng với Bộ Công an, chúng tôi đã làm ngay và quan điểm xử lý đến nơi đến chốn, làm rõ, nghiêm minh.

"Những đối tượng sai đến đâu xử đến đấy. Hiện nay đã phát hiện, xử lý chính thức 11 người theo đúng quy định của pháp luật", ông Nhạ nêu.

Phát hiện 151 học sinh vi phạm quy chế thi

Bộ trưởng nêu rõ, qua kiểm tra phát hiện 151 học sinh vi phạm quy chế thi và tới đây sẽ tiếp tục xử lý tiếp với tinh thần làm nghiêm theo quy chế.

"Với cá nhân tôi là Bộ trưởng phản đối, kiên quyết chống tiêu cực theo hướng đó", ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông thông tin, trong quá trình xử lý, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành ngay rà soát lại toàn bộ quy trình về thi, chấm thi và xét thấy rằng quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt là chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa, ra bài thi cần tốt hơn.

"Chúng tôi cũng lường trước từ quá trình đổi mới đây là vấn đề khó và mỗi năm cần bổ sung thêm. Kinh nghiệm quốc tế cũng vậy, không phải ngay một lúc có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, bài thi.

Chúng tôi đang khắc phục và tới đây sẽ làm được tốt hơn nhiều", ông nói.

Công nghệ mã hóa code đề thi cũng là sơ hở

Đối với phần mềm, do tiến bộ của công nghệ nên ngành giáo dục chưa lường được hết. Ông nói, với công nghệ mã hóa code đề thi cũng là sơ hở dẫn đến một số người khai thác và hiện đã xử lý.

"Chúng tôi đã họp lãnh đạo các Sở để bàn và xử lý nghiêm vấn đề này. Trong Bộ cũng chỉ đạo kiểm điểm từng cá nhân, tổ chức để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau.

Đối với địa phương, Thủ tướng chỉ đạo rất rõ là phê bình, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Theo phân cấp, Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo UBND nên sẽ phải chịu trách nhiệm vấn đề này", ông Nhạ nói.

Ông nêu thêm, nhìn chung, qua mỗi kỳ thi tính phân loại luôn được tăng lên, đánh giá tốt việc tốt nghiệp phổ thông của các học sinh.

Theo ông, trong giáo dục cần học gì thi đấy, mà trong tâm lý giáo dục là không thi thì không học. Các quốc gia khác vẫn duy trì các kỳ thi và sát hạch hàng năm. Thực tế, những năm gần đây các trường đại học và cao đẳng vẫn thường xuyên sử dụng kết quả này.

Lấy ví dụ năm 2018, Bộ trưởng Nhạ cho hay những năm trước có trường hợp 8 điểm cũng vào được cao đẳng sư phạm. Năm nay điểm chuẩn đã tăng lên 17-18 điểm cũng nhờ việc xét tuyển qua kỳ thi tốt nghiệm THPT.

Ông Nhạ nói thêm, năm tới, Bộ đã xin ý kiến của Thủ tướng, Phó thủ tướng tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết, đặc biệt, đề thi sẽ bám sát kiến thức phổ thông, trên cơ sở kết quả, các trường đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển.

Nếu để các trường yếu tự chủ tuyển sinh, không có cơ sở thì chất lượng đầu vào ồ ạt và đầu ra kém", ông Nhạ nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại