Giá thuốc Việt Nam không cao
Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bắt đầu đăng đàn.
Đầu phiên chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có 58 đại biểu đăng ký câu hỏi.
Phản ánh tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội, lạm dụng các kỹ thuật trong chẩn đoán, y tế xã phường lạc hậu, việc chuyển viện với những bệnh nan y rườm rà, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề nghị tư lệnh ngành y tế nêu giải pháp.
Còn đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phản ánh tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện".
"Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này"? Ông Chiến cũng quan tâm đến việc nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu chưa dùng đã hỏng, giá cao mà cơ quan chức năng phát hiện vừa qua.
ĐB Nguyễn Chiến. Ảnh: VTV.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Y tế làm rõ thông tin giá thuốc ở Việt Nam cao hơn mặt bằng chung trong khu vực, Bộ có giải pháp gì để giảm tác động của việc tăng giá thuốc đối với nhóm khó khăn?.
Trả lời theo nhóm vấn đề, với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng liệu giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới, Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao.
Về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu thì giá thuốc chỉ đứng thứ 9 - 10, nghĩa là không tăng đột biến.
"Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…", Bộ trưởng thông tin.
"Con sâu làm rầu nồi canh"
Về ứng xử thiếu tôn trọng của y bác sĩ, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh".
Theo Bộ trưởng, vừa qua ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật thời gian qua.
Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng cho biết đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh. Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận.
Bộ trưởng Tiến cho biết việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ "thông toàn quốc".
Tuy nhiên, y tế cơ sở là nơi có thể chăm sóc sức khỏe ban đầu, với các bệnh nặng và mãn tính thì Bộ có chương trình để giải quyết. Theo bà, nhiều bệnh nhân cũng muốn nhận thuốc để điều trị theo phác đồ ngay tại cấp huyện và cấp xã mà không cần lên tuyến Trung ương.
Về trục lợi bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thì thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân.
Theo bà, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế đã rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lạm dụng. Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…
Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết như vẫn yêu cầu nằm viện…, để tăng nguồn thu.
"Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế và các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau", bà Tiến nêu rõ.
Về thực trạng người dân đến hiệu thuốc mua thuốc không cần có toa, bà Kim Tiến nói trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt. Bà Tiến thừa nhận đây là yếu kém và sắp tới phải thay đổi. Về việc làm dụng kháng sinh, bộ Y tế đã trình Chính phủ chiến lược về việc lạm dụng kháng sinh.
Đối với giá biệt dược, bà Tiến thừa nhận là cao vì "đã là biệt được thì giá cũng rất đặc biệt".
"Hiện nay còn 700 biệt dược, có bản quyền và giá rất cao. Bộ Y tế sẽ cố gắng đưa các biệt dược đã gần hết bản quyền đưa vào đấu thầu để giá thấp hơn", bà Tiến nói.
Về chuyện lạm dụng xét nghiệm, Bộ trưởng Y tế nói đã có thông tư ban hành để hạn chế, và tiếp tục đổi mới hình thức chi trả để ngăn ngừa.