Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Việt Nam đã sẵn sàng hướng đến Chính phủ số"

PV |

Phát biểu tại Hội thảo Đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Việt Nam đang hướng tới Chính phủ số.

Ngày 16/1/2018, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Ngân hàng Thế gới tổ chức Hội thảo Đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số. Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ quan tâm cải cách hành chính, hướng đến Chính phủ liêm chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều đó đã được minh chứng qua kết quả kinh tế - xã hội năm 2017.

Trong năm 2018 Chính phủ sẽ tập trung cho ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành và địa phương, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cán bộ, tạo ra sự minh bạch công khai.

Việc ứng dụng CNTT sẽ chuyển từ các văn bản giấy sang văn bản điện tử và tập trung xây dựng phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Chính phủ cũng tập trung xây dựng sớm Trung tâm dịch vụ công quốc gia mức độ 3 và 4; dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ sửa các chính sách để thúc đẩy ứng dụng CNTT cho các bộ ngành và khuyến khích thuê dịch vụ CNTT.

"Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển sang Chính phủ số. Dịch vụ số tạo nền tảng chính cho các dịch vụ công của Chính phủ.

Các nước đang tận dụng công nghệ chuyển đổi quy trình hoạt động sang dữ liệu số, đồng thời đổi mới nâng cấp hạ tầng CNTT-TT, sử dụng điện toán đám mây và áp dụng mô hình quản trị mới", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tại Hội thảo này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ hợp tác với Ngân hàng Thế giới đánh giá Chính phủ số tại Việt Nam và tập trung vào các lĩnh vực như: khung pháp lý chính sách thể chế, nhu cầu của người dân, hệ sinh thái dữ liệu mở, nhân lực… Hội thảo đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam.

Qua hội thảo này các chuyên gia sẽ chỉ ra những khoảng cách số và đưa ra khuyến nghị về khung Chính phủ số tại Việt Nam cũng như xu hướng xây dựng dữ liệu mở và Chính phủ số trên thế giới.

Trả lời câu hỏi Việt Nam đã tiến tới Chính phủ số chưa? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Việt Nam đang xây dựng Chính phủ số để tiến đến minh bạch và công khai hóa và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phát biểu tại hội thảo này, bà Alla Morrison, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam có lợi thế khi triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau.

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền khi mà người dân phải nộp phí bôi trơn khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…

Bà Alla Morrison đặt câu hỏi, di động và Internet không mới, nhưng tại sao thế giới nói nhiều về kinh tế số? Sở dĩ như vậy, bởi cuộc cách mạng trong thời đại tiếp theo là dữ liệu.

Công nghệ mới giúp ta lưu trữ dữ liệu theo cách mới và truyền tải dữ liệu ngày càng tăng. Dữ liệu là tài nguyên mà bạn có thể tinh lọc để sử dụng và không mất đi khi bạn sử dụng và có thể tái tạo lại.

"Một số thành phố Việt Nam đã mở dữ liệu, nhưng nếu không có cơ chế sử dụng dữ liệu mở sẽ khó kết nối.

Chính phủ có quá nhiều dữ liệu, nhưng dữ liệu mở theo luật cho phép, những dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân thì không chia sẻ", bà Alla Morrison nói.

Đề cập đến lợi ích của việc dữ liệu mở mà các quốc gia đã thực hiện, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc mở dữ liệu toàn cầu có thể thúc đẩy GDP lên đến 4,1%, Liên minh Châu Âu thống kê nếu mở dữ liệu ở khu vực công có thể thúc đẩy GDP là 1,5%.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng dữ liệu mở thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia. Các quốc gia hàng đầu ở Mỹ và Châu Âu đã tạo ra hàng triệu việc làm từ việc mở dữ liệu.

Bà Lan Hương còn cho biết, khi Chính phủ mở dữ liệu tiết kiệm thời gian kết nối cho các cơ quan chính phủ và tiết kiệm chi phí rất lớn.

Theo thống kê của Liên minh Châu Âu, việc mở dữ liệu đã tiết kiệm chi phí cho các nước lên đến 1,7 tỷ USD.

Văn phòng Chính phủ cho biết, Ngân hàng Thế giới sẽ thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng của dữ liệu mở và Chính phủ số trong 2 tuần. Sau đó, sẽ có các khuyến cáo cho Việt Nam để thúc đẩy dữ liệu mở và Chính phủ số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại