Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin việc Bộ Công an sẽ không còn cấp Tổng cục

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Dũng, Bộ Công an đã có phương án đề cập đến việc cải cách tổ chức bộ máy, trong đó, xem xét việc giảm các tổng cục, chuyển Cảnh sát PCCC về Công an tỉnh, thành phố.

Bộ Công an sẽ xem xét giảm Tổng cục, chuyển CS PCCC về công an tỉnh, thành phố

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 2/4, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc Chính phủ sẽ cho ý kiến vào Luật Công an nhân dân sửa đổi.

"Trong đó, Bộ Công an sẽ thực hiện tiến hành sắp xếp lại bộ máy và hoàn toàn cắt bỏ các Tổng Cục. Vậy, phương án sắp xếp lại nhân sự sẽ được thực hiện như thế nào?".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ cho ý kiến vào Luật Công an nhân dân sửa đổi để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, quy định trong luật không được đưa các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nên tới đây, quy định cụ thể sẽ được ban hành trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân sửa đổi.

"Nội dung cho ý kiến của Chính phủ hôm nay không có đề cập đến tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân theo Luật Công an nhân dân.

Tuy nhiên, vừa qua, Đảng ủy Công an nhân dân cũng rất trách nhiệm, hướng đổi mới và có phương án đề cập đến việc cải cách tổ chức bộ máy, trong đó, kể cả xem xét vấn đề việc giảm các tổng cục, chuyển Sở Cảnh sát PCCC về Công an các tỉnh, thành phố.

Sau này, cụ thể liên quan đến nội dung bàn về tổ chức của lực lượng công an nhân dân chúng tôi sẽ trả lời sau", Bộ trưởng Dũng nói.

Trước đó, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ đang triển khai Đề án 106 của Đảng ủy Công an Trung ương.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

"Hiện nay, Bộ vẫn đang trong quá trình thực hiện và việc bỏ hẳn cấp tổng cục là một đột phá bởi trước đó, quá trình dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh.

Khi nào có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử", tướng Quang nêu.

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết có liên quan đến một số vấn đề tiếp tục đổi mới , sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực , hiệu quả.

Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Đây là kết quả đạt được trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) do Đảng ủy Công an Trung ương tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện từ sau Đại hội XII tới nay.

Các nội dung cơ bản của đề án này đã được lãnh đạo Bộ phổ biến tới cán bộ chủ chốt cấp cục và tiếp đó phổ biến xuống dưới.

Nhóm cổ đông AVG đã trả MobiFone 2.500 tỷ đồng

Cũng tại phiên họp, phóng viên đã nêu câu hỏi về việc thanh toán huỷ hợp đồng mua cổ phần giữa Mobifone và AVG .

Về việc này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện nhóm cổ đông AVG đã trả 2.500 tỷ đồng cho MobiFone.

Theo cam kết của AVG, chậm nhất trong 90 ngày sau khi 2 bên ký thoả thuận huỷ hợp đồng sẽ thanh toán hết. Bộ TT&TT đang chỉ đạo Mobifone giám sát việc này.

"Hiện nay, thông báo kết luận thanh tra đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý. Ngay sau đó, Bộ đã có cuộc họp lãnh đạo mở rộng với các tập thể, cá nhân liên quan để có kế hoạch triển khai, thông báo kết luận thanh tra trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật, thượng tôn pháp luật", ông Bảo nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu rà soát an toàn PCCC chung cư trên cả nước

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan trách nhiệm đối với các vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhìn nhận mọi người đang rất quan tâm đến vấn đề nhà chung cư và giá nhà chung cư có thể giảm sau các vụ cháy.


Riêng trong tháng 3 đã có trên 1.000 vụ cháy nổ đã làm 33 người chết, 66 người bị thương, tài sản của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.

"Đây là vấn đề bức xúc xã hội, Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng giao cho các Bộ chức năng, chính quyền tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra toàn bộ vấn đề này. Tức là tỷ lệ chung cư đảm bảo an toàn PCCC rất thấp, từ đó, yêu cầu kiểm tra rà soát lại", Bộ trưởng Dũng nói.

Trước đề xuất của phóng viên về việc Tổ công tác của Thủ tướng nên kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ ở khu chung cư, cụ thể là khu đô thị Đại Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là đề nghị rất tốt.

"Nhưng hiện Tổ phải tập trung kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ ngành kiểm tra việc xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hơn nữa, Thủ tướng cũng đã giao người đứng đầu các Bộ, Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo trực tiếp nội dung phòng chống cháy nổ", ông Dũng nêu.

Trả lời thêm về vấn đề an toàn PCCC ở chung cư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, gần đây xảy ra nhiều vụ cháy chung cư gây thiệt hại về sinh mạng con người rất lớn.

Theo ông Hùng, vấn đề PCCC này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là trước năm 2001 khi Luật PCCC chưa được ban hành và sau năm 2001 khi luật PCCC ra đời.

Cụ thể, theo quy định của luật, tất cả các chung cư phải được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC.

“Số lượng nhà chung cư xây dựng sau năm 2001 ước chừng trên cả nước xấp xỉ 3.000 nhà. Một số vụ việc cháy nổ xảy ra gần đây nằm trong số này nhưng điều đó không mặc định 3.000 nhà này không đảm bảo PCCC”, ông Hùng nói.

Về số lượng nhà chung cư cụ thể trong số 3.000 nhà không đảm bảo PCCC, ông Hùng cho hay, hiện các địa phương đang yêu cầu rà soát tổng thể, trong đó, có đối tượng là khu nhà HH của của Xí nghiệp xây dựng số 1 ở Điện Biên ở Linh Đàm.

Cụ thể, các địa phương rà soát, kiểm tra xem đã được nghiệm thu, thẩm duyệt PCCC chưa. Nếu như có thì công tác vận hành như thế nào còn nếu không được thẩm duyệt, nghiệm thu hoặc có được nghiệm thu, thẩm duyệt nhưng thiếu một số điều kiện PCCC thì sẽ xử lý.

“Tôi được biết Hà Nội cách đây mấy tháng có đưa ra thông tin về một số tòa nhà và TP Hồ Chí Minh cũng đang rà soát số lượng tòa nhà không đảm bảo an toàn PCCC. Con số cụ thể bao nhiêu chưa thể nói trước nhưng những tòa nhà này phải đảm bảo PCCC theo đúng luật”, ông Hùng thông tin.

Về nguyên nhân xảy ra cháy nổ , ông Hùng cho biết, cần phải được phân tách rõ và đây là vấn đề lớn, Chính phủ đã chỉ đạo thuộc trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát, kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cơ bản hoàn thành xong thanh tra vụ VN Pharma

Trả lời câu hỏi về kết quả Thanh tra vụ việc VN Pharma đã tiến hành từ tháng 9/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho hay, đến thời điểm hiện tại, việc thanh tra vụ VN Pharma cơ bản hoàn thành xong. 

“Về nội dung kết quả bước đầu của vụ việc, sau khi có các kết luận, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi sẽ công khai minh bạch thông tin”, ông Lam nói.

Phóng viên hỏi thêm về việc, qua vụ việc VNPharma cho thấy lỗ hổng lớn trong việc truy xuất nguồn gốc thuốc cũng như kiểm tra quá trình lưu hành thuốc. 

Mới đây, trong Công văn 4338 của Cục Quản lý dược có đề cập doanh nghiệp nhập khẩu thuốc Việt Nam đã hoàn tất thủ tục GMP – thực hành bảo quản thuốc tốt. 

Điều này có thể hiểu rằng các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và phân phối thuốc của Việt Nam đã bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát về lưu hành các lô thuốc hay chưa để tránh tình trạng lỗ hổng tương tự như vụ VN Pharma?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, theo Công văn 4338 của Cục Quản lý dược về nhập khẩu thuốc, thường cấp visa mất rất nhiều thời gian vì phải có đầy đủ giấy tờ liên quan như nguồn gốc, xuất xứ…. 

“Nhưng ở đây chỉ kiểm tra các giấy tờ gốc, vì nhiều khi lô hàng có giá trị nhỏ thôi, không thể bay sang tận nơi kiểm tra được. Trừ một số giấy tờ giả mạo, còn lại giấy tờ đúng theo quy định thì đều đảm bảo chất lượng. Các lô hàng mà Cục Quản lý dược cấp visa chậm là vì phải có thời gian truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, ông Tiến nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại