Trong phiên chất vấn tại Quốc hội trong chiều nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm rõ các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản.
Theo ông Nghị, năm 2021 và Quý I/2022, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng bất động sản mới; Tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…
Song bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, song ông Nghị cho rằng thị trường BĐS đang bộc lộ các hạn chế, bất cập có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản
Theo đó, Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS... vẫn còn bất cập cần sửa đổi để thống nhất như: Về hình thức hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; Về xác định giá đất; Về chế độ sử dụng đất, quy định đối với các loại hình BĐS mới, hỗn hợp, đa chức năng.
Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp. Phổ biến là các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Thống kê của cho thấy, tại nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54 ngàn căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị tương là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.
"Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm.Trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ", ông Nghị thông tin.
Công nhân, người thu nhập thấp khó tiếp cận và tạo lập chỗ ở
Bất cập tiếp theo mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra là giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.
“Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở”, ông Nghị nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định, có hiệu tượng câu kết với nhau “găm hàng”, “thổi giá”, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường; hoạt động môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt. Ngoài ra, hoạt động của thị trường BĐS còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin dẫn đến lợi dụng, tung tin, nhiễu loạn thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hiện giá đất cao hơn so với thu nhập của người dân
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Vẫn còn phản ánh của các doanh nghiệp về khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dung, huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chưa có các nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường BĐS
“Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương có tồn tại, bất cập; Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…” ông Nghị chỉ ra các bất cập của thị trường BĐS.
Ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định
Để đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường BĐS và quản lý đất đai tại các địa phương để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng, chưa được phép đầu tư.
“Tăng cường kiểm soát hoạt động các sàn giao dịch BĐS, các hoạt động môi giới BĐS để kịp thời chấn chỉnh”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất.
Cùng với đó là thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng BĐS.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất việc ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định
Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro.
Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật. Tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả. Ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.
“Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS (nhất là trái phiếu riêng lẻ); Hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp BĐS theo đúng quy định”, ông Nghị đề xuất thêm.
Ngoài ra theo ông Nghị, thời gian tới cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật kiên quan đến lĩnh vực BĐS; Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường BĐS để kịp thời có biện pháp bình ổn, lành mạnh thị trường khi cần thiết; Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định…