Năm 1977, khi Việt Nam chuẩn bị tiến hành cải cách sách giáo khoa (lần cải cách này do Viện Khoa học Giáo dục khởi xướng), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi GS. Hồ Ngọc Đại lên và hỏi ý kiến ông về chương trình cải cách giáo dục sắp triển khai.
Khi ấy, GS. Hồ Ngọc Đại không ngần ngại trả lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng:
- Chương trình cải cách lần này sẽ thất bại!
Thủ tướng đứng bật dậy, đi lại trong 5 phút, gương mặt lộ rõ vẻ không vui với câu trả lời. Nhưng sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi:
-Vì sao anh nghĩ nó sẽ thất bại?
GS. Hồ Ngọc Đại đáp:
- Vì đề cương cải cách giáo dục lần này chuẩn bị trong 20 năm chiến tranh. Bây giờ hoà bình đã lập lại, hoàn cảnh lịch sử không còn phù hợp nữa. Nó đã bị lỗi thời.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi tiếp:
- Vậy thì anh có thể tham gia để chữa cho nó đúng được không?
GS. Hồ Ngọc Đại đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép ông mở trường Thực nghiệm, để "thử nghiệm một chương trình giáo dục khác, một phương thức giáo dục khác khác hẳn về nguyên lý so với phương thức cũ.
Ông nói: "Thưa Thủ tướng, lịch sử đã trải qua xã hội đẳng cấp, rồi xã hội giai cấp, nhưng đến thời chúng ta, xã hội là của phạm trù cá nhân. Tôi muốn xây dựng Nghiệp vụ sư phạm hiện đại với công nghệ giáo dục, một phương pháp học để tạo nên những đứa trẻ với bản ngã riêng của chúng. Chừng nào tôi chắc chắn rằng phương pháp này thành công với trường Thực nghiệm, chừng đó tôi sẽ mạnh dạn báo cáo với Thủ tướng về phương pháp giáo dục mới của tôi".
Và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chấp nhận lời đề nghị đó. Ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi ấy là bà Nguyễn Thị Bình và ông Trần Vỹ - Chủ tịch UBND Tp Hà Nội tạo mọi điều kiện để trường Thực nghiệm ra đời năm 1977. Và sách Công nghệ Giáo dục là một trong những nội dung được đưa vào giảng dạy tại trường Thực nghiệm ngay từ những ngày đầu tiên.
Năm 1980, chương trình Sách giáo khoa cải cách được áp dụng đại trà trên cả nước. Nhưng riêng Trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại được thoả sức thử nghiệm với phương pháp giáo dục mới.
Khi mà những lứa học sinh đầu của trường Thực Nghiệm phát triển rất tốt với phương pháp mới, thì nền giáo dục Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Năm 1985, sau 5 năm thực hiện cải cách giáo dục, chuông báo động thực sự đã vang lên khi năm học đó có 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban vì không thể đọc, viết.
Trước tình thế đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình mời GS. Hồ Ngọc Đại lên. Giống như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bà lại hỏi:
- Liệu Giáo sư có cách nào giải quyết việc này không?
"Tôi tự tin là tôi có thể xử lý được, vì cho đến năm 1985, trường Thực nghiệm đã có 7 năm hoạt động. Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đã chứng tỏ hiệu quả tốt, khi học sinh lớp 1 của trường Thực nghiệm chỉ sau 1 học kỳ là có thể đọc thông viết thạo" – GS Hồ Ngọc Đại hồi tưởng.
"Nhưng tôi có đề nghị với Bộ trưởng Bình rằng việc áp dụng Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục phải được dựa trên tinh thần tự nguyện, địa phương nào muốn học thì học. Nhưng nếu địa phương nào đã lựa chọn phương pháp của tôi thì phải nghe theo tôi, kể cả Bộ Giáo dục cũng không được phép can thiệp, không được làm nửa vời".
Tháng 8.1985, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình yêu cầu ngành giáo dục cả hai miền họp. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình chủ trì cuộc họp ở miền Bắc, GS Hồ Ngọc Đại được bà uỷ quyền thay mặt Bộ trưởng tham dự cuộc họp ở miền Nam.
Vì quyết định này chỉ diễn ra trước lễ khai giảng năm học mới 1 tuần, nên sau đó việc tập huấn cho giáo viên về Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục được tiến hành rất khẩn trương.
Năm học đó, chương trình Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục được thí điểm đầu tiên ở 12 tỉnh thành tự nguyện tham gia thí điểm, trong đó có Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Tây Ninh... Đến cuối năm, học sinh ở 12 tỉnh thành thí điểm đều được lên lớp và không có hiện tượng học sinh tái mù sau khi nghỉ hè.
Sau 5 năm áp dụng, đến năm 1990, một Hội đồng Thẩm định Quốc gia được thành lập nhằm thẩm định chương trình Toán, Tiếng Việt, Giáo dục lối sống và Tiếng Nga Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học. Riêng môn Tiếng Việt, nhà ngôn ngữ học có uy tín do Giáo sư Hoàng Tuệ - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học làm Chủ tịch Hội đồng.
Suốt cả tháng trời, từng thành viên trong Hội đồng được phân công đi về dự giờ các tiết học ở nhiều địa phương trong cả nước. Họ trực tiếp gặp mặt các thầy cô và học sinh, rồi trực tiếp phỏng vấn học sinh, trực tiếp ra bài thi để kiểm tra học sinh, không nề hà cả những vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn.
Hội đồng Nghiệm thu năm 1990 sau một thời gian làm việc và tiến hành khảo sát trên nhiều tỉnh/thành cả nước, đã đưa ra kết quả thẩm định như sau: 13/14 thành viên hội đồng - là những nhà chuyên môn - đánh giá Tốt. Người duy nhất đánh giá loại Khá với mong muốn tạo điều kiện cho chương trình thực nghiệm này có cơ hội phát triển tiếp (ông là người của Bộ Kế hoạch đầu tư - đại diện cơ quan cấp kinh phí cho dự án)
Kể từ đó, sau mỗi năm lại có thêm các tỉnh mới đăng ký tham gia chương trình Công nghệ Giáo dục. Cho đến năm 2000, có tất cả 43 tỉnh thành tham gia chương trình này. Năm 2000 cũng là năm đầu tiên Việt Nam được thế giới công nhận thành công trong việc phổ cập giáo dục Tiểu học, xoá mù chữ.
GS.TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học 1989-2001, cho biết, giai đoạn đó, hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại 4 bộ sách giáo khoa áp dụng cho các trường tiểu học, với 4 chương trình học khác nhau, để phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau:
+ Chương trình 165 tuần (chính là chương trình cải cách cũ từ năm 1980 đã được điều chỉnh nhiều lần) gọi là chương trình đại trà.
+ Chương trình sách 100 tuần cho trẻ em lớn tuổi, lang thang cơ nhỡ học buổi tối và các lớp học tình thương.
+ Chương trình 120 tuần cho dân tộc miền núi.
+ Chương trình Công nghệ Giáo dục.
"Thành công của việc áp dụng 4 chương trình giáo dục khác nhau, 4 loại sách giáo khoa khác nhau đã chứng tỏ hiệu quả khi năm 2000, lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố Phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ với toàn thế giới" – GS.TSKH Nguyễn Kế Hào nhớ lại.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2000, Quốc hội thông qua nghị quyết về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Người chịu trách nhiệm chính thực hiện Nghị quyết là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển.
Một hội đồng được lập ra để thực hiện dự án thiết kế bộ sách giáo khoa tiểu học duy nhất, kinh phí được vay từ World Bank. Năm 2002, chỉ sau 2 năm, bộ sách giáo khoa mới được hoàn thành và đưa vào giảng dạy đại trà. Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại dù đang được giảng dạy ở 43 tỉnh thành đột ngột bị dừng lại. Nhưng không chỉ có bộ sách CNGD, mà cả ba bộ sách còn lại cũng đều chịu chung số phận đó.
Người phản đối quyết định này mạnh mẽ nhất là GS.TSKH Nguyễn Kế Hào – Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD&ĐT. Ông đã viết đơn từ chức với lý do "không thể phản bội khoa học, không thể phản bội những thế hệ học trò tương lai".
Kể về phản ứng đầy quyết liệt của mình khi đó, GS.TSKH Nguyễn Kế Hào giải thích: "Với tôi, quyết định áp dụng một bộ SGK duy nhất trong cả nước và loại bỏ các bộ sách khác là một quyết định vội vã và là một bước lùi của nền giáo dục Việt Nam. Nghị quyết của Quốc hội là một chương trình SGK "đảm bảo sự thống nhất", nhưng những người thực hiện lại lý giải nghị quyết này theo hướng "sẽ chỉ có một bộ SGK duy nhất áp dụng cho cả nước.
Dù trước 2000, khi chưa có nghị quyết, chúng ta có 4 chương trình, 4 bộ sách khác nhau về nội dung và về thời lượng ở cấp tiểu học. Nhưng tất cả đều thống nhất ở mục tiêu và chuẩn đầu ra, tức là cuối cùng, tất cả học sinh dù tham gia chương trình nào, dù học SGK nào, thì đều phải đảm bảo đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học. Việc Việt Nam lần đầu được thế giới công nhận Phổ cập Giáo dục Tiểu học năm 2000 chính là thành công của việc áp dụng 4 chương trình, 4 bộ SGK mang lại.
Tôi phản đối quyết liệt việc loại bỏ 4 bộ SGK quy về một chương trình SGK duy nhất vì tôi cho rằng họ hiểu sai/ hoặc cố tình hiểu sai về sự thống nhất.
Là nhà khoa học, tôi hiểu rằng thống nhất không có nghĩa là duy nhất. Giống như một đất nước có nhiều vùng miền, với đặc điểm địa lý, xã hội khác nhau, thì chủ trương đầu tư, phát triển phải khác nhau, không thể ép buộc các đối tượng học sinh khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau, phải học chung một bộ SGK được.
Sách Công nghệ Giáo dục phải Thực nghiệm 8 năm, rồi thí điểm 5 năm, sau đó trải qua 2 lần thẩm định mới được nhân rộng trong cả nước. Còn SGK năm 2000 được thiết kế trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, được thí điểm vội vàng, qua quýt ở một vài thành phố lớn, với những nhóm học sinh tốt nhất, nên khó có thể đưa ra kết quả trung thực.
Chúng ta loại bỏ 4 bộ SGK đang phát huy tốt, để lựa chọn một bộ sách mà chúng ta không có cơ sở gì đảm bảo nó là tốt. Tôi gọi đó là bước lùi của giáo dục là vì lẽ ấy. Chỉ tiếc là khi đó, dù là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nhưng tiếng nói của tôi cô đơn và lạc lõng trong việc phản đối dự án này".
Vào thời điểm biết chắc chắn rằng bộ SGK duy nhất của chương trình năm 2000 sẽ chính thức được áp dụng đại trà trên toàn quốc từ năm học 2002-2003, GS.TSKH Nguyễn Kế Hào đã lên gặp Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đề nghị:
- Anh hãy ra Quốc Hội, mạnh dạn xin lùi lại 2 năm để chuẩn bị tiếp cho bộ sách này. Chứ bộ sách này chưa thể mang vào giảng dạy được.
Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển lắc đầu. Việc áp dụng chương trình SGK năm 2000 vào đại trà vẫn được tiến hành như dự định.
Tháng 1 /2001, TS Nguyễn Kế Hào nhận được quyết định của Bộ trưởng điều ông tham gia vào "Chương trình Tiểu học 2000" với tư cách tác giả SGK, dù lúc đó chương trình đã hoàn tất việc soạn thảo. Tháng 3/2001, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào viết đơn từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.
Ông Hào nhớ lại: "Với tôi đó là giọt nước tràn ly! Tôi là nhà quản lý. Tôi không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi; không thể vừa phụ trách vụ Tiểu học, vừa là tác giả SGK. Nhận làm tác giả SGK, tôi sẽ đều đặn nhận được một khoản nhuận bút sách hàng năm mà chẳng hề phải thò chân mó tay vào việc gì, nhưng tôi không thể nào làm được những việc trái với lương tâm nhà khoa học và tổn hại đến giáo dục, tổn hại đến thế hệ trẻ".
Sau ngày nhận quyết định từ chức, GS.TSKH Nguyễn Kế Hào về làm giảng viên cao cấp tại Đại học Sư phạm. Với tư cách nhà khoa học, ông đã viết đơn gửi lên Thủ tướng, Tổng Bí thư, trình bày rõ những ý kiến của ông về sự bất cập của chương trình SGK mới.
Chỉ sau một thời gian rất ngắn áp dụng chương trình một Bộ SGK duy nhất, Trung ương Đảng đã phải có Nghị quyết với Nội dung "kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp với tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học và THCS".
Tức là ngay khi bắt đầu, bộ sách vừa mới triển khai đã phải giảm tải và vẫn tiếp tục giảm tải nhiều năm nữa, vì nó thể hiện nhiều bất cập khi đưa vào áp dụng đại trà. Việc giảm tải đáng lẽ ra phải do nhóm tác giả biên soạn thực hiện thực hiện, nhưng không có tác giả nào đứng ra làm việc đó, vì dự án vay tiền đã kết thúc. Cuối cùng Vụ Giáo dục tiểu học phải đưa ra văn bản hướng dẫn cho phép giáo viên trong cả nước tự xử lý, tự giảm tải theo hiểu biết của từng người.
Năm 2005, khi bộ SGK duy nhất gặp rất nhiều khó khăn do tỷ lệ học sinh tiểu học lưu ban, tái mù cao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân đã phải ký quyết định thực hiện chương trình Tiếng Việt tăng cường, với sách Tiếng Việt 1 CNGD làm cốt lõi. Nói cách khác, sách Tiếng Việt CNGD một lần nữa lại được yêu cầu quay trở lại, để xử lý vấn đề học sinh tiểu học lưu ban, tái mù chữ mà chương trình SGK mới không xử lý được. Lần này, chương trình sách Tiếng Việt 1 CNGD bắt đầu được thí điểm ở hai đầu đất nước là Lào Cai và Kiên Giang.
Năm 2006, ông Phạm Vũ Luận thay ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo sau khi dự giờ ở một trường vùng sâu ở Lào Cai là "trẻ con học sách Tiếng Việt CNGD đọc ngon lành quá thưa Bộ trưởng", thì ông Luận đã đích thân lên Lào Cai, thuê xe ôm đi vào tận trường, đóng giả làm phụ huynh học sinh để trực tiếp thẩm định chất lượng giảng dạy.
Sách CNGD một lần nữa bắt đầu được mở rộng ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam, rồi tiếp tục được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như một chương trình giảng dạy chính thức vì sự hiệu quả mà nó mang lại. Năm học 2016-2017, cả nước có 678.800 học sinh lớp 1 theo học Tiếng Việt CNGD. Năm học 2017-2018 là 771.777 học sinh. Năm học 2018-2019, bất chấp cơn bão tấn công sách Tiếng Việt CNGD (thời điểm tháng 8-9/2018), số lượng học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt 1 CNGD vẫn tăng lên 923.842 học sinh (trên tổng số hơn 1,5 triệu học sinh lớp 1).
Vào ngày 10.9.2018, khi trả lời phỏng vấn báo Điện tử Trí Thức Trẻ ngay giữa tâm bão tấn công sách CNGD, GS Hồ Ngọc Đại đã nói: "Cơn bão tấn công tôi xuất phát từ lợi ích nhóm, vì tiền. Vì không chỉ có SGK, còn có rất nhiều sách bổ trợ đi kèm nữa. Sách của tôi chỉ có 1 cuốn. Hơn 900 nghìn học sinh học sách của tôi, thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều nhóm làm SGK".
Chiều ngày 12/8/2019, đúng tròn một năm sau khi "cơn bão vuông tròn tam giác" xảy ra, Hội đồng Thẩm định đã tuyên bố loại bộ sách Toán và Tiếng Việt CNGD vì lý do: "Sách CNGD có một số nội dung chưa đạt, một số nội dung khó, vượt yêu cầu chương trình giáo dục sắp thực hiện".
Khi được hỏi việc thẩm định, xếp loại sách lần này có căn cứ vào kết quả thực tế đã triển khai dạy học của sách Tiếng Việt 1 CNGD hay không, hay chỉ xem xét dựa trên bản thảo, thì GS Trần Đình Sử - đại diện cho Hội đồng Thẩm định trả lời: "Việc thẩm định đợt này căn cứ vào tiêu chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp thực hiện. Các sách đã thực hiện phải viết lại theo chương trình mới này".
Dưới con mắt của một nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực Giáo dục tiểu học, GS.TSKH Nguyễn Kế Hào phản đối cách làm này: "Năm 1990, Hội đồng Thẩm định sách CNGD làm việc theo cách: Các thành viên Hội đồng phải đi khảo sát để lấy số liệu ở các địa phương, trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh sau khi học chương trình. Còn bây giờ, Hội đồng thẩm định dựa vào 4 điều, 13 tiêu chí để đánh giá SGK vừa mới được xây dựng. 15 thành viên hội đồng làm việc độc lập với bản thảo SGK, không hề về địa phương tiến hành khảo sát. Vì vậy tôi cho rằng, đây vẫn chỉ là ý chí của 15 người, chứ không dựa trên những đánh giá khoa học thu được từ hơn 900.000 học sinh đang học sách CNGD trong cả nước".
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: "Với tôi, cái gì trẻ con tiếp thu được thì không thể nói là khó. Bao thế hệ học sinh lớp 1 trong cả nước đã học chương trình này đều không thấy nó khó, thì không có lý do gì lại kết luận nó khó cả. Nên tôi sẽ không sửa sách mà tôi đã biên soạn chỉ vì những ý kiến của Hội đồng Thẩm định. Từ 1 năm trước, tôi gần như dự đoán trước được số phận của bộ sách của mình trong lần thẩm định này. Và tôi bình thản, vì dù sao đây cũng không phải lần đầu.