Sáng 5/6, góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại tổ, nhiều đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu kỹ lưỡng dự án luật sau gần 10 năm thực hiện Luật Nhà ở năm 2014. Đặc biệt dự án luật này được chuẩn bị, đồng thời với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội sẽ thảo luận tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp tới.
Đại biểu Đỗ Đức Duy, đoàn Yên Bái
Đại biểu Đỗ Đức Duy, đoàn Yên Bái đề nghị làm rõ quy định đối tượng về đối tượng được thuê nhà công vụ.
“Tại điểm e, Khoản 1, Điều 47 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định, nhân tài có đóng góp quan trọng cho quốc gia thì có thể được bố trí nhà công vụ nhưng hiện nay pháp luật chưa có quy định thế nào là nhân tài. Đề nghị cần phải có quy định rõ hơn nội dung này. Trong nhiều năm gần đây, hình như có duy nhất trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu là được Chính phủ bố trí cho nhà công vụ thì phải. Tôi đề nghị là phải quy định thêm”, đại biểu đoàn Yên Bái nhấn mạnh.
Mở rộng khái niệm nhà lưu trú cho công nhân
Nhiều đại biểu cũng ghi nhận trong dự thảo dự án luật lần này có bổ sung thêm khái niệm nhà lưu trú công nhân như một loại hình nhà xã hội để tạo điều kiện cho công nhân các khu công nghiệp có chỗ ở.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Đức Duy, khái niệm nhà lưu trú công nhân mà chỉ được giới hạn trong các khu công nghiệp thì không phù hợp.
Theo đại biểu, thực tế các khu công nghiệp đã được quy hoạch về xây dựng trong giai đoạn trước đây, hiện có thể thiếu quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Do đó luật nên mở rộng theo hướng ban quản lý khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể thuê đất kinh doanh dịch vụ ở gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê hoặc mở rộng thêm đối tượng.
“Có nhiều nhà máy, dự án án sản xuất công nghiệp nhưng không nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, song cũng có nhiều công nhân có nhu cầu nhà ở. Ví dụ như các dự án sản xuất xi măng, thủy điện… nơi gắn với vùng nguyên liệu, nhà máy may từ các khu vực nông thôn nơi có nhiều công nhân và có nhu cầu nhà ở. Nếu như quy định cứng trong khu công nghiệp thì các trường hợp này sẽ không được điều chỉnh và không có đủ cơ sở pháp lý để phát triển loại hình này”, đại biểu đoàn Yên Bái dẫn chứng.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho rằng, không nên quy định mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều phải có nhà ở cho công nhân, mà nên theo quy hoạch của địa phương.
“Đơn cử, mỗi địa phương có tới gần 20 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nếu mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp lại bố trí riêng nhà ở cho công nhân thì có thực sự cần thiết không và có quỹ đất không? Việc quy định nhà ở lưu trú cho công nhân nên phù hợp với quy hoạch của địa phương, phù hợp với nhu cầu và yêu cầu phát triển đô thị”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.
Đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên) cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ở trong hàng rào khu công nghiệp cần được cân nhắc kỹ, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Tại Khoản 1, Điều 19 và Khoản 9, Điều 77 của Luật Đầu tư xác định, phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp và bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, quy định của dự thảo Luật là chưa thống nhất với Luật Đầu tư về quy hoạch khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp”, đại biểu Dương Bình Phú chỉ rõ.
Cũng theo đại biểu, với các tiêu chí rất rộng về công trình tiện ích kèm theo nhà lưu trú công nhân như trong dự thảo Luật, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, minh bạch có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng việc đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp để sử dụng phần diện tích đất này vào mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ - là đất có giá trị cao để hưởng lợi, cũng như làm ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh của khu công nghiệp./.