Để bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn. Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%.
Theo tài liệu của WHO, tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, tiểu đường và sâu răng. Trong môi trường thực phẩm hiện nay, rất dễ tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là từ đồ uống có đường. Theo đó, đồ uống có đường là nguồn cung cấp đường chủ yếu trong chế độ ăn uống, và mức tiêu thụ của nó đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
WHO chỉ ra, trung bình, một lon nước ngọt có đường chứa khoảng 40 gam đường (tương đương với khoảng 10 thìa cà phê đường ăn). Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, để ngăn ngừa bệnh béo phì và sâu răng, người lớn và trẻ em nên giảm mức tiêu thụ đường xuống dưới 10% lượng năng lượng hàng ngày (tương đương với khoảng 12 thìa cà phê đường ăn cho người lớn). Các hướng dẫn đề xuất tiếp tục giảm lượng đường xuống dưới 5% lượng năng lượng hàng ngày (khoảng 6 muỗng cà phê đường cho người lớn) để có thêm lợi ích cho sức khỏe.
WHO cho rằng để người dân giảm tiêu thụ đường thì chính phủ các nước nên đánh thuế đồ uống có đường.
Trong tài liệu phát hành năm 2017, WHO khuyến cáo các chính phủ có thể thực hiện một số hành động để cải thiện tính sẵn có và khả năng tiếp cận với thực phẩm lành mạnh và có ảnh hưởng tích cực đến thực phẩm mà mọi người chọn tiêu thụ. Một hành động chính cho các chương trình toàn diện nhằm giảm tiêu thụ đường là đánh thuế đồ uống có đường. Giống như đánh thuế thuốc lá giúp giảm sử dụng thuốc lá, đánh thuế đồ uống có đường có thể giúp giảm tiêu thụ đường.
Trong khi đó, Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế căn cứ hàm lượng đường trong 100 ml. Hàm lượng đường trên ngưỡng này thì đánh thuế, theo nguyên tắc đồ uống càng nhiều đường mức thuế càng cao. Ngược lại, dưới ngưỡng thì không phải chịu thuế.
Thuế đồ uống có đường bao nhiêu là hợp lý?
Theo báo cáo của Chương trình Nghiên cứu Nông lương Toàn cầu (thuộc ĐH Bắc Carolina Chapel Hill - UNC), tính đến năm 2020, đã có gần 50 quốc gia (gồm 8 bang của Mỹ) và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới áp thuế đối với đồ uống có đường. Trong đó, Đông Nam Á có Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei. Nhóm các nước còn lại của ASEAN chưa áp loại thuế này, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia và Myanmar.
Tính theo vùng địa lý thì Châu Âu và Châu Mỹ có lượng quốc gia, vùng lãnh thổ áp thuế đồ uống có đường nhiều nhất. Trong đó Châu Âu có hơn 10 nước, gồm Phần Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Bỉ, Ireland, Hungary, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Châu Mỹ có 8 bang của Mỹ, Mexico, Chile, Ecuador, Peru…
Hiện có khoảng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ áp thuế đối với đồ uống có đường.
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đặt ra sắc thuế khác nhau cho loại đồ uống được cho là có hại cho sức khỏe (nếu tiêu thụ quá nhiều) này. Công thức áp thuế tính trên lượng đường có trong thức uống hoặc tính theo chủng loại của loại thức uống có đường (soda, siro, thức uống trái cây có đường…). Trong đó cách tính theo lượng đường có trong thức uống được các quốc gia chuộng sử dụng hơn.
Các tỷ giá chuyển đổi trong bài viết này dựa theo báo cáo của Chương trình Nghiên cứu Nông lương Toàn cầu. Cụ thể, Philippines áp 6 peso mỗi lít (0,12USD) đối với đồ uống sử dụng đường và chất làm ngọt nhân tạo; 12 peso mỗi lít (0,25USD) đối với đồ uống sử dụng HFCS (đường bắp). Quốc gia quần đảo này miễn trừ thuế cho đồ uống từ sữa, cà phê hòa tan có đường, đồ uống được làm ngọt bằng đường dừa hoặc cỏ ngọt và nước trái cây 100%. Philippines áp dụng quy định từ tháng 1/2018.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan áp thuế đồ uống có đường từ tháng 9/2017. Đồ uống có >6g đường trên 100ml sẽ phải đối mặt với mức thuế cao. Riêng từ năm 2023, đồ uống có trên 10g đường trên 100ml chịu thuế lên tới 5 baht/lít (0,16 USD).
Một quốc gia khác trong Đông Nam Á là Malaysia quy định mức 0,40 ringgit mỗi lít (0,1USD) đối với đồ uống có ga, hương liệu và đồ uống không cồn khác có >5 g đường trên 100 ml hoặc đối với nước ép trái cây hoặc rau củ có >12g đường trên 100ml. Quy định này được Malaysia áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2019. Láng giềng của Malaysia, là Brunei, thu thuế tiêu thụ đặc biệt 4,00 dollar Brunei (khoảng 0,29USD/l) đối với tất cả đồ uống có >6g đường trên 100ml, thực hiện từ tháng 4 năm 2017.
Thái Lan áp thuế đối với đồ uống có đường từ năm 2017. Ảnh: Dy Khoa.
Tại Châu Âu, Vương quốc Anh thu 0,18 bảng Anh mỗi lít (0,24USD) đối với đồ uống có tổng lượng đường >5g/100ml; 0,24 bảng Anh mỗi lít (0,32USD) đối với đồ uống có tổng lượng đường >8g/100ml, thực hiện từ tháng 4 năm 2018.
Ireland thu 0,20 euro mỗi lít (0,24USD) đối với đồ uống có tổng lượng đường >5g/100ml; 0,30 eurp mỗi lít (0,36USD) đối với đồ uống có tổng lượng đường >8g/100ml, quy định thực hiện vào tháng 5 năm 2018.
Pháp đánh 0,11 euro trên 1,5 lít (0,13USD) đối với đồ uống có thêm đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo, được triển khai vào tháng 1 năm 2012. Đến 2018, thuế theo tăng dần, tối đa 0,24USD/lít nếu >11g đường/100ml.
Na Uy thu 3,34 krone mỗi lít (0,36USD) đối với đồ uống có thêm đường hoặc chất làm ngọt; 20,32 krone/lít (2,22USD) đối với siro cô đặc, thực hiện từ 1981.
Tại Châu Mỹ, Mexico áp thuế 1 peso/lít (0,05USD) cho tất cả đồ uống có đường, trừ sữa và yogurt, từ tháng 1/2014. Bermuda đánh 75% thuế nhập khẩu trên đường, đồ uống có đường, kẹo và chất làm ngọt, trừ soda giảm cân, nước ép 100% (từ trái cây nguyên chất) và trà giảm cân, áp dụng từ tháng 10/2018.