Bộ Tài chính Nga "thắt lưng buộc bụng" quá đà, kế hoạch phục hồi kinh tế của TT Putin lâm vào bế tắc?

Hồng Anh |

Bộ Tài chính Nga đã siết chặt chi tiêu từ đầu năm tới nay, khiến kinh tế nước này gần như chỉ "giậm chân tại chỗ", theo Bloomberg.

Khi những cuộc biểu tình rung chuyển thủ đô Moskva và tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với nhà lãnh đạo của họ có xu hướng sụt giảm, Tổng thống Vladimir Putin đã đề ra những kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính Nga siết chặt chi tiêu từ đầu năm tới nay đã khiến tăng trưởng kinh tế gần như "giậm chân tại chỗ", và kế hoạch của ông Putin cũng vì thế mà bế tắc, Bloomberg cho biết.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, tính đến cuối tháng 8 năm nay, chính phủ Nga mới tiêu chưa đến 60% khoản ngân sách dự trù thường niên - mức thấp nhất kể từ giai đoạn trước năm 2012.

Tính đến cuối tháng 6, khoản tiền được phân bổ trong năm nay cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn trong nước trị giá 400 tỉ USD của ông Putin mới được sử dụng hết chưa đầy 1/3, theo dữ liệu của Phòng Kiểm toán Nhà nước.

Tình trạng khan hiếm nguồn tài trợ càng tồi tệ hơn khi nguồn tiền chính phủ Nga thu được phải xoay vòng nhanh chóng cho các dự án đang được tiến hành. Điều này đã đẩy mức tăng trưởng kinh tế của Nga xuống mức chậm nhất trong vòng 3 năm gần đây.

Nga thường có chiến lược chi tiêu ít hơn trong nửa đầu năm, và sau đó càng về cuối năm càng chi mạnh tay. Tuy nhiên sự bất cân đối trong các khoản chi tiêu năm nay tệ hơn bình thường, trong đó có một phần lí do là bởi các quan chức Nga thận trọng hơn những năm trước trong việc phân bổ ngân sách cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Dự án Quốc gia khi Kremlin tăng cường giám sát chặt chẽ quy trình này.

Laura Solanko, một chuyên gia về Nga tại Phần Lan cho biết: "Đối với mỗi dự án, quy trình đánh giá cách thực hiện và kết quả rất phức tạp, và điều đó khiến việc thực hiện các dự án này trở nên khó khăn. Mục đích [của chính phủ Nga] là để đảm bảo số tiền bỏ ra được sử dụng đúng đắn, tuy nhiên quá trình ấy lại rất cồng kềnh, phức tạp".

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết, khoản tồn đọng chi tiêu đã đạt ngưỡng 700 tỉ rúp (10,8 tỉ USD) vào cuối tháng 8 vừa qua, trong khi đó tăng trưởng kinh tế giảm 1% so với nửa đầu năm 2019. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì một phần khoản chi tiêu tồn đọng có thể sẽ phải đẩy sang ngân sách năm sau để tránh việc "nhồi nhét trong 4 tháng cuối năm 2019", ông Alexey Zabotkin, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ cho biết.

Trong 8 tháng đầu năm nay, thặng dư ngân sách của Nga đạt mức 3,7%, cao nhất kể từ giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm nay sẽ chỉ ở ngưỡng 1% - thấp hơn mục tiêu 1,3% do chính phủ đề ra và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2016, theo CBR. Các dự án quốc gia của Putin có thể sẽ phải đợi đến năm 2020 mới bắt đầy có tác động, các nhà kinh tế học nhận định.

"Mức chi tiêu của chính phủ Nga trong năm nay dường như không có tác động lớn đến tăng trưởng. [...] Nền kinh tế sẽ thiệt hại nặng nề nếu trong quy trình hoàn thành dự án sau này phát sinh những vấn đề cơ cấu", ông Dmitry Dolgin, một chuyên gia cấp cao tại Ngân hàng ING ở Moskva nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại