Bộ Tài chính: Không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công

Xuân Dũng |

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, doanh nghiệp Nhà nước nếu không trả được nợ có thể thực hiện phá sản và việc chuyển tính khoản này vào nợ công là không phù hợp.

Đây là một trong những điểm đáng chú ý của tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về Dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi.

Nhắc tới ý kiến cho rằng cần xem xét nợ doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế tự vay tự trả vào nợ công, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Bộ Tài chính, doanh nghiệp Nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp.

“Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật,” báo cáo của ngành tài chính nêu quan điểm.

Lãnh đạo bộ này cũng đánh giá, nếu đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này được đánh giá là “không phù hợp.” Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công.

Một vấn đề khác cũng được Bộ Tài chính lý giải là việc không đưa các khoản tạm ứng của ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản vào nợ công trong dự thảo.

Theo lãnh đạo ngành tài chính, có một số khoản chi cấp bách cần thiết nhưng chưa có trong dự toán được duyệt nên ngân sách Nhà nước tạm ứng để thực hiện và phải bố trí dự toán năm tiếp sau để thu hồi tạm ứng.

Theo thông lệ quốc tế, đại diện Bộ Tài chính nhận định, đây không phải là khoản vay nợ vì không có bên vay, bên cho vay và không phát sinh nghĩa vụ phải hoàn trả của đối tượng sử dụng vốn.

Với những quan điểm trên, theo dự thảo, phạm vi nợ công vẫn giữ nguyên như cơ cấu hiện tại, bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, điểm thay đổi là dự thảo đã làm rõ nội dung của từng cấu phần nợ công.

Ví dụ, nợ Chính phủ được quy định rõ bao gồm các khoản nợ do Chính phủ phát hành các công cụ nợ gồm tín phiếu, trái phiếu, công trái, các khoản nợ do Chính phủ ký kết các hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng vay với chính phủ, vùng lãnh thổ nước ngoài, các khoản vay từ quỹ dự trữ tài chính Nhà nước, tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước,...

Tương tự, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền của địa phương cũng được liệt kê rõ ràng.

Điều này theo lãnh đạo ngành tài chính nhằm "giải quyết những tồn tại hiện nay liên quan đến sự rõ ràng của từng cấu phần nợ công, đặc biệt là với nợ của Chính phủ."/.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại