Dự thảo nghị quyết này sau khi được lấy ý kiến rộng rãi, sẽ được trình lên Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới để thông qua.
Nợ thuế đã vượt 73.000 tỷ
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017 tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng.
Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; Các khoản nợ liên quan về đất là 7.882 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng; Tiền thuế nợ của chủ doanh nghiệp đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 31.469 tỷ đồng. Trong đó các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm là 7.500 tỷ đồng.
Tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 do ngành Hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.305 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xử lý là 291 tỷ đồng; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 3.878 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan do cơ quan thuế và cơ quan Hải quan quản lý khoảng 35.347 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,75% tổng số thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần 44,9% tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31/12/2017 là 78.619 tỷ đồng.
Đề nghị xoá 26.500 tỷ đồng nợ thuế
Số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được Bộ Tài chính đề nghị xóa do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2017 là 24.302 tỷ đồng, trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng 22.299 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là 2.003 tỷ đồng.
"Với các đề xuất xử lý xóa nợ nêu trên thì tổng hợp lại tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng", Bộ Tài chính cho hay.
Về nguyên tắc xoá nợ thuế, Bộ này đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Để bảo đảm chặt chẽ, trong việc xóa nợ, trường hợp người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tiếp tục đăng ký thành lập tổ chức kinh doanh khác, Bộ Tài chính đề nghị quy định chế tài trong hai năm tiếp theo kể từ ngày thực hiện xóa nợ, chủ sở hữu doanh nghiệp, người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không được thành lập doanh nghiệp mới/không được kinh doanh, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan do thực hiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán.
Xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ…
Ngoài xóa nợ, một giải pháp khác được Bộ Tài chính đưa ra là khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá 1 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.