Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành, thời gian thanh tra thuế không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp cũng không quá 70 ngày.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, thời gian thực tế thực hiện thanh tra thuế với các doanh nghiệp quy mô lớn, có giao dịch liên kết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, quy định hiện tại không phù hợp.
Do việc thu thập thông tin về công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài, thông tin về các giao dịch diễn ra ở bên ngoài Việt Nam mất rất nhiều thời gian.
Chưa kể, khi cần trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài cũng cần nhiều thời gian để chờ đợi trao đổi, cung cấp thông tin.
Trong khi, theo thông lệ nhiều nước đang áp dụng, thời gian thanh tra thuế chuyển nhượng trung bình là 573 ngày làm việc.
“Thực tế thanh tra thuế với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, BigC... mất thời gian trên 1 năm, do phải tạm dừng thanh tra để chờ doanh nghiệp cung cấp bổ sung thông tin, hồ sơ, tài liệu” Bộ Tài chính dẫn chứng.
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất: Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc. Ngoài ra, thời gian thanh tra không bao gồm thời gian cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian tạm dừng, hoãn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất trao thêm quyền điều tra thuế cho cơ quan thuế (tương tự của ngành hải quan, an ninh).
Theo đó, cơ quan thuế có quyền khám xét không cần báo trước, được xét hỏi, lấy lời khai người nộp thuế, khởi tố vụ án, bị can theo luật hình sự… Tương tự như 80 quốc gia trên thế giới (trong đó có nhiều nước ASEAN) đang áp dụng.