Trong một khu rừng chỉ rộng chưa đầy 10 ha ở thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có hàng chục cá thể voọc chà vá chân xám đang sinh sống.
Đây là loài động vật cực kỳ quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.
Mục sở thị voọc chà vá
Đặt lịch hẹn từ trước, chúng tôi được anh Nguyễn Dư, thôn đội trưởng thôn Đồng Cố, cùng kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Đức dẫn vào khu rừng ở thôn Đồng Cố - nơi đàn voọc chà vá chân xám sinh sống. Khu rừng này chỉ cách tuyến đường ĐT617 chưa đầy 2 km theo đường chim bay.
Nói là khu rừng nhưng thực chất chỉ là một ngọn đồi nhỏ chạy dọc theo triền núi, có tên là Hòn Dồ. Xung quanh ngọn đồi này là rừng keo của người dân, đang bị khai thác nham nhở.
Đường vào Hòn Dồ khá dốc và quanh co nhưng không quá khó đi, xe máy và ô tô có thể vào sát bìa rừng.
Sở dĩ ngọn Hòn Dồ còn giữ được nét hoang sơ vì nó khá cheo leo và có nhiều tảng đá lớn, rất khó để khai hoang trồng keo nên ít ai ngó ngàng đến. Đó có lẽ là vận may cho đàn voọc nơi đây.
Yêu quý voọc chà vá, hơn chục năm nay, cứ có thời gian rảnh là anh Dư lại lên rừng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm tuần tra, tháo bẫy, đẩy đuổi những đối tượng xấu từ nơi khác đến săn bắt voọc và các loài động vật hoang dã.
Cũng chính nhờ đó mà anh Dư nắm rất rõ quy luật hoạt động của loài linh trưởng này. Phải có chút may mắn mới gặp được loài động vật này vì nhiều khi chúng chỉ ở giữa núi, ít xuất hiện ở bìa rừng vì lo sợ bị con người tấn công.
Những âm thanh của việc khai thác keo cũng có thể làm cho đàn voọc hoảng sợ.
Đoán chừng khoảng 10 giờ, đàn voọc chà vá sẽ đi tìm kiếm thức ăn, anh Dư dẫn chúng tôi phục sẵn. Khi anh đang say sưa kể chuyện về những con voọc chà vá quý hiếm ở địa phương mình thì đàn voọc bắt đầu cất tiếng kêu rồi lần lượt chuyền cành tiến ra phía ngoài, cách bìa rừng khoảng 150 m.
Hôm nay, chúng đến sớm hơn thường lệ khoảng nửa giờ. Dẫn đầu là một con voọc chà vá khá lớn, rất có thể là con đực đầu đàn. Con này đi đầu cảnh giới và mở đường cho cả đàn đi theo.
Có vẻ như con đầu đàn phát hiện có người theo dõi nên ngay sau đó nó dẫn đàn vào khu vực bên trong, không ra bìa rừng bứt chuối ăn như thường ngày.
Quan sát kỹ có thể thấy đàn voọc chà vá rất tuân thủ nguyên tắc hoạt động. Con đực đầu đàn di chuyển đến địa điểm nào và di chuyển với phương thức ra sao thì lần lượt những con đi sau thực hiện như vậy.
Trong vòng khoảng 30 phút, chúng tôi đếm được ít nhất 15 con xuất hiện, đa phần trưởng thành, có con đang mang thai, một số có thân hình khá gầy.
thường, những con trưởng thành chuyền cành ở trên cao, còn những con con di chuyển phía thấp hơn nên ít thấy.
Những con voọc này có thân màu xám với vết lông trắng ở mông, đuôi dài màu trắng, tay dài hơn chân và cùng có màu xám trắng. Đặc biệt, chúng có vành râu quai nón màu trắng, phía cổ có lông màu đà, hung đỏ rất nổi bật.
Mong có khu bảo tồn
Ông Phan Minh Huấn, phụ trách Trạm Kiểm lâm huyện Núi Thành, cho biết dù diện tích rừng tự nhiên còn lại ở thôn Đồng Cố khá khiêm tốn nhưng ngoài voọc chà vá, khu vực Hòn Dồ còn có hàng chục con khỉ đuôi dài quý hiếm, cũng là một động vật nằm trong Sách Đỏ và một số động vật hoang dã khác như mang, heo rừng, chồn... sinh sống.
Tuy nhiên, đa số số lượng các loài giảm dần theo thời gian, một số loài khác dường như đã biến mất khỏi khu rừng này.
"Ngày xưa tới giờ, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền người dân cùng nhau bảo vệ chứ chưa có một tổ chức nào đến tham gia cả. Người dân và chính quyền địa phương nơi đây có ý thức rất tốt nên số lượng voọc mới còn nhiều như thế.
Tuy nhiên, vì điều kiện sản xuất kinh tế, người dân phát rừng trồng keo khiến môi trường sống của loài voọc bị thu hẹp. Chúng tôi mong các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đối với đàn voọc quý hiếm này.
Trước mắt, cần hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ để thành lập tổ đội bảo vệ, xa hơn có thể nghiên cứu thành lập khu bảo tồn loài voọc" - ông Huấn kiến nghị.
Ông Trần Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, cho biết voọc chà vá chân xám sinh sống ở địa phương từ rất lâu.
Trước đây, voọc chà vá sống chung một đàn trên dưới 50 con nhưng nhiều năm trở lại đây tách thành 2 đàn riêng lẻ, sống quanh ngọn Hòn Dồ, Hốc Biểu và hố Giang Thơm.
Ông Vũ cho rằng sở dĩ đàn voọc vẫn tồn tại dù môi trường sống ngày càng thu hẹp và bị tác động từ con người là bởi điều kiện thổ nhưỡng nơi đây thích hợp đối với loài linh trưởng này.
Cách đây khoảng 10 năm, đàn voọc chà vá này khá bạo dạn, người dân có thể thấy chúng vui đùa ở khoảng cách chừng 10 m.
"Nhiều năm trở lại đây, rất khó để thấy voọc chà vá, chúng tỏ ra nhút nhát và sợ con người.
Cứ thấy người là đàn voọc chà vá bỏ chạy vào trong rừng" - ông Vũ kể và cho biết kiểm lâm huyện, tỉnh đều đã biết ở địa phương có đàn voọc quý hiếm này nhưng chưa có một phương án nào được đưa ra để bảo vệ chúng.
Khi huyện Núi Thành lập quy hoạch phát triển du lịch hố Giang Thơm, UBND xã Tam Mỹ Tây đề xuất khoanh vùng 50 ha quanh khu vực này và tiến hành tái tạo rừng để có nơi cho đàn voọc sinh sống.
Tìm cách bảo tồn
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay đã nắm thông tin về điều kiện sống khá khó khăn của đàn voọc chà vá ở xã Tam Mỹ Tây.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra lại điều kiện tự nhiên có bảo đảm cho đàn voọc sinh sống hay không, ghi nhận hình ảnh, độ tuổi của đàn voọc như thế nào, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của nó ra sao để có phương án bảo tồn thích hợp.
"Hiện nay, khu bảo tồn voi ở Nông Sơn có diện tích rừng tự nhiên khá phong phú, có thể di chuyển về đây để bảo đảm điều kiện sống cho đàn voọc. Việc di dời như thế nào thì giao cho kiểm lâm nghiên cứu.
Chúng tôi cũng đang giao kiểm lâm nghiên cứu, đánh giá, có thể di chuyển luôn đàn voi ở huyện Bắc Trà My về khu bảo tồn voi ở Nông Sơn" - ông Thanh nói.