"Bỏ quên" 6.000 lính trước tên lửa Iran, phòng không Mỹ suýt tự đào hố chôn quân mình?

Trịnh Ngọc Tiến |

Mỹ sở hữu công nghệ có thể biết trước và cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa. Song, họ không có nhiều lựa chọn đánh chặn hiệu quả nào khi tên lửa được phóng đi.

Những tính toán của lãnh đạo Iran

Rạng sáng ngày 8/1 vừa qua, Quân đội Iran đã bắn 16 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Iraq nhưng dường như không có một tên lửa đánh chặn nào được phóng lên để ngăn chặn tên lửa của Iran.

Rất may mắn là vụ tấn công của Iran không gây thiệt hại về sinh mạng cho phía Mỹ. Có thông tin cho rằng quân đội Iran đã báo trước về cuộc tấn công cho chính quyền Iraq, để Iraq “phím” Mỹ sơ tán lực lượng, nếu không chắc chắn sẽ có thương vong lớn xảy ra.

Qua cuộc tấn công này có thể thấy tính toán chi tiết của giới lãnh đạo Iran. Mỹ đã chưa đánh giá hết phản ứng, cũng như ý chí của các nhà lãnh đạo Iran sau vụ Mỹ sát hại tướng Soleimani.

Các nhà lãnh đạo Iran muốn có một cuộc “trả thù” thật sự, chứ không phải là những lời tuyên bố suông, mục đích cũng để làm “dịu” đi tình hình căng thẳng chống Mỹ đang dâng cao trong dân chúng Iran.

Song, thách thức với Iran là chọn phương án tấn công như thế nào để không gây ra quá nhiều thiệt hại cho phía Mỹ, đồng thời không đẩy nấc thang căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát?

Đứng trước câu hỏi này, việc chọn vũ khí cũng như mục tiêu tấn công là vấn đề rất quan trọng trước nhất, nó sẽ giải quyết các vấn đề chính trị của Iran, giúp các nhà lãnh đạo Iran đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài. Cuối cùng giới lãnh đạo Tehran đã quyết định lựa chọn tên lửa đạn đạo.

Vấn đề quan trọng thứ hai là chọn phương thức trả đũa: Để tấn công trả đũa Mỹ, Iran có thể tiến hành bằng nhiều phương thức như dùng lực lượng ủy nhiệm của họ tại Trung Đông (như lực lượng Hezbollah hay dân quân dòng Shiite ở Iraq thân Iran).

Vấn đề thứ ba, đó là mục tiêu tấn công phải là những mục tiêu không bị phía Mỹ ngăn cản. Nếu cuộc tấn công của Iran bị hệ thống đánh chặn của Mỹ ngăn chặn (chưa biết tỷ lệ đánh chặn thành công là bao nhiêu) thì ít nhất cũng làm tổn hại hình ảnh “bất khả chiến bại” của lực lượng tên lửa của Iran được tuyên truyền lâu nay.

Bỏ quên 6.000 lính trước tên lửa Iran, phòng không Mỹ suýt tự đào hố chôn mình? - Ảnh 1.

Hai căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Iraq và khoảng cách tấn công của tên lửa Iran.

Do vậy, Quân đội Iran đã chọn hai căn cứ quân sự Ain al-Asad và Erbil nằm trong lãnh thổ Iraq. Tại đây, quân đội Mỹ có vẻ không bố trí các hệ thống đánh chặn tên lửa.

Cùng với đó là khoảng cách từ lãnh thổ Iran đến các căn cứ này nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa Fatah-313 (vũ khí chính trong cuộc tấn công trả đũa). Đây là tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran tự phát triển, tầm bắn 500 km và được cho là có số lượng nhiều nhất trong kho tên lửa của Iran.

Theo thông tin từ phía Iran, cuộc tấn công đã diễn ra đúng như dự tính của họ, ngoài số tên lửa không đến được mục tiêu do trục trặc kỹ thuật, số tên lửa còn lại đều trúng mục tiêu mà không hề bị ngăn chặn, nhưng không gây thiệt hại về nhân mạng.

Dư luận Iran "phấn khởi" vì đã báo thù được cho cái chết của tướng Soleimani, còn giới lãnh đạo Iran cũng “thở phào” vì phản ứng của Mỹ cũng không quá gay gắt.

Bỏ quên 6.000 lính trước tên lửa Iran, phòng không Mỹ suýt tự đào hố chôn mình? - Ảnh 2.

Một binh sĩ Mỹ bên cạnh đống đổ nát và mảnh vỡ tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở Anbar, Iraq, vào ngày 13 tháng 1 năm 2020, sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.

Lộ lỗ hổng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ

Trong cuộc trả đũa bằng tên lửa của Iran vừa qua, kể cả khi Mỹ bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ các căn cứ Ain al-Asad và Erbil, thì các căn cứ trên vẫn dễ bị tổn thương do Mỹ thiếu khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Mỹ hiện là quốc gia có công nghệ có thể biết trước về các vụ phóng tên lửa, theo dõi quá trình tên lửa bay và cung cấp các cảnh báo sớm về tác động sắp xảy ra của vụ tấn công. Song, họ không có lựa chọn đánh chặn hiệu quả nào khi tên lửa được phóng đi.

Hiện nay Lầu Năm Góc đã triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo như hệ thống đánh chặn tầm cao THADD, hoặc tầm thấp Patriot ở Trung Đông, nhằm bảo vệ những căn cứ mà Lầu Năm Góc coi là "ưu tiên cao hơn" ở Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và UAE.

Tuy nhiên, quyết định này đã đặt khoảng 6.000 lính Mỹ ở Iraq (theo báo cáo của Washington Post, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Al-Asad và Erbil) trong tầm đe dọa của tên lửa từ phía các đối thủ của Mỹ, mà không có bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào bảo vệ.

Một số người lập luận rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran không thể gây ra thương vong nên việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa là không cần thiết và là sự lãng phí. Thế nhưng, sẽ rất thiếu sáng suốt và nguy hiểm khi loại bỏ khả năng một cuộc tấn công tên lửa của Iran trong tương lai sẽ gây thương vong nghiêm trọng cho người Mỹ.

Với quy mô kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran, cuộc tấn công ngày 8/1 vừa qua tương đối khiêm tốn về quy mô. Chúng ta không thể đánh giá hết sức mạnh của lực lượng tên lửa Iran qua một cuộc tấn công trả đũa mang tính chất “chính trị” hơn là một “đòn thù” thực sự.

Trước đó, một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) năm 2019 đã đánh giá rằng Iran có tiềm năng rất lớn về tên lửa.

Theo báo cáo, Iran hiện có lực lượng tên lửa lớn nhất ở Trung Đông, gồm tên lửa đạn đạo tầm gần (CRBM), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM), có thể tấn công mục tiêu trên khắp khu vực cách biên giới Iran 2.000 km. Ngoài ra, DIA báo cáo rằng Iran đang nỗ lực để tăng độ chính xác cho tên lửa của nước này.

Bỏ quên 6.000 lính trước tên lửa Iran, phòng không Mỹ suýt tự đào hố chôn mình? - Ảnh 4.

Độ bao phủ của tên lửa đạn đạo Iran.

Vào tháng 9/2019, một vụ tấn công bằng tên lửa hành trình kết hợp với máy bay không người lái mang chất nổ vào hai cơ sở lọc dầu chiến lược của Arab Saudi mới cho thấy hết mức độ chính xác và tinh vi của kế hoạch.

Mặc dù không bên nào chỉ đích danh là Iran nhưng dư luận nghi ngờ có bàn tay của Tehran đứng sau, vì lực lượng du kích Houthi của Yemen, không thể đủ trình độ và vũ khí để tổ chức một cuộc tấn công như vậy.

Tehran đã không sử dụng máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong cuộc tấn công ngày 8/1 nhưng có rất ít cơ hội để ngăn cản Tehran sử dụng vũ khí và chiến thuật như vậy trong tương lai.

Nếu một cuộc chiến tổng lực xảy ra, khi Iran sử dụng hàng loạt tên lửa đạn đạo và hành trình, cũng như máy bay không người lái, nhằm vào các căn cứ lớn của Mỹ trong khu vực, thì Quân đội Mỹ có thể phải gánh chịu một kết quả thảm khốc.

Bỏ quên 6.000 lính trước tên lửa Iran, phòng không Mỹ suýt tự đào hố chôn mình? - Ảnh 6.

Bố trí lực lượng của Mỹ ở Trung Đông hiện nay.

Để đối phó với một cuộc khủng hoảng như vậy trong tương lai, việc phòng thủ tên lửa không đủ có thể buộc Washington tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu đầy rủi ro, hoặc trong trường hợp xảy ra thương vong lớn đối với quân nhân Mỹ, sẽ có một cuộc chiến tổng lực hoặc chí ít là các lệnh trừng phạt tàn khốc từ Mỹ.

Một trong sáu ưu tiên hiện đại hóa của Quân đội Mỹ trong thời gian tới đó là lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, cả về kỹ thuật, tài chính và con người.

Cuộc tấn công ngày 8/1 đã chứng minh cho người Mỹ thấy giá trị của hệ thống phòng thủ tên lửa và trên thực tế, nếu một cuộc chiến tổng lực xảy ra, Mỹ không đủ lực lượng để có thể đánh chặn một cuộc tập kích tên lửa ồ ạt. Đây chính là lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ mà chưa thể khắc phục trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại