1. Năm 1970, Sài Gòn được chứng kiến một trong trong những trận đấu đài "kinh thiên động địa" giữa võ sỹ Long Mousse (tên thật là Đới Văn Quý) của Long Hổ Hội với võ sỹ Kinh Kha, lúc ấy đang là trưởng đội bảo vệ phủ tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu.
Thấp hơn và nhẹ hơn đối thủ đến 20kg và chỉ mới học võ có vài tháng, được sư phụ Lâm Hữu Hội dạy cho đúng 2 chiêu, Long Mousse "chạy té khói" trước đối thủ trong cả hiệp thi đấu thứ nhất. Bước sang hiệp 2, chỉ cần một thoáng sơ hở lao vào tầm đòn, Kinh Kha phải lĩnh trọn cú chỏ lật khét tiếng của Thiếu Lâm Nững Xị, vỡ mắt trái và chịu thua đau đớn.
Trận đấu với các ngôi sao K-League vừa qua, U22 của thầy trò HLV Hữu Thắng có chiến thắng 1-0, với thế trận hoàn toàn khác biệt nếu so sánh với trận Long Mousse - Kinh Kha năm nào. Song nếu so sánh với dòng võ được dùng để đánh bại Kinh Kha năm xưa, thì lại có rất nhiều điểm trùng hợp.
Thiếu Lâm Nững Xị - môn võ mà võ sư Lâm Hữu Hội học được từ một sư phụ người Triều Châu (Trung Quốc) hồi đầu thế kỷ trước, để sau đó phát triển thành Long Hổ Hội, rồi truyền lại Long Phi Thanh đến tận bây giờ khét tiếng về mặt thực chiến, từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn hàng mấy chục năm trời có một đặc điểm quyền xuôi về một bên, chỉ ra quyền bằng tay và chân phải.
Xem U22 Việt Nam đá, chẳng mấy khó khăn để nhận ra hướng triển khai tấn công đều được dồn hết sang cánh phải, với Văn Thanh thường xuyên dâng cao tấn công, cùng Văn Toàn khuấy đảo đối phương bằng những pha đi bóng xẻ nách hướng vào khung thành.
Bàn thắng duy nhất trước các ngôi sao K-League đến từ cú sút của Văn Toàn, sau rất nhiều nỗ lực đi bóng lắt léo xuống sát biên ngang rồi trả ra cho đồng đội kết thúc, cũng như đi bóng xuyên chéo vào vòng vòng cấm rồi tung cú kết thúc. Có thể nói, những pha tấn công biên phải của Văn Thanh, Văn Toàn đang là xương sống cho lối chơi của các học trò HLV Hữu Thắng.
2. Với "bộ khung" HAGL trên hàng tấn công, cùng với một số yếu tố ngoài chuyên môn khác, không khó để khẳng định HLV Hữu Thắng sẽ vẫn giữ lối chơi tấn công đẹp mắt kiểu tiqui-taka trong chiến địch chinh phục chức vô địch SEA Games sắp tới. Lối đá này khá hiệu quả trước các đội bóng yếu, nhưng trước các "đại gia" Đông Nam Á, nó có khá nhiều hạn chế.
Những pha "nhập nội" của Văn Toàn là rất nguy hiểm, nhưng chưa đủ trước những đối thủ mạnh.
Tương tự U22 trong tay Hữu Thắng, Thiếu Lâm Nững Xị của võ sư Lâm Hữu Hội là môn võ đánh không lùi, thay vào đó là nhập nội và tung đòn kết thúc trận đấu nhanh, "đánh trong lúc bị đánh", đòn ra sau nhưng tới trước. Chính điều này khiến cho bộ pháp trở nên cực kỳ quan trọng khi phải né được đòn trước khi tung đòn.
Quyền đánh xuôi về một phía, thế phải làm sao khi đối phương tấn công vào phía bên kia? Đấy chính là điểm đáng sợ nhất của môn võ này, với những chiêu ra đòn phát động lực theo trục xoay, với lực công phá cực lớn, nôm na là những cú rờ-ve văng thẳng tay, chỏ vào bộ phận trọng yếu của đối phương. Cú chỏ lật làm "nổ" mắt mà Long Mousse dành cho Kinh Kha là một ví dụ.
Hai trận đấu gần đây nhất của U22 Việt Nam, trước U22 Hàn Quốc và các ngôi sao K-League, người ta thấy Công Phượng thường xuyên có những pha đi bóng ngang trước khung thành đối phương từ cánh trái, sau đó tung chân phải kết thúc. Thành quả rõ rệt nhất của những pha đi bóng ấy là siêu phẩm gỡ hòa 1-1 vào lưới U22 Hàn Quốc.
Trong tay HLV Hữu Thắng, chưa bao giờ người hâm mộ Việt Nam có được cảm giác yên tâm với hàng thủ, trong khi đó những đường chuyền dài của Xuân Trường, những pha cầm bóng xuyên phá của Công Phượng đã quá quen thuộc và đa phần bị "bắt bài".
Những pha đi bóng ngang khung thành từ cánh trái rồi kết thúc bằng chân phải của Công Phượng sẽ là "vũ khí tối thượng" của Hữu Thắng trong những trận đánh lớn?
Hai trận đấu vừa qua, Công Phượng bừng sáng. Nó không hẳn nằm ở tư duy chơi bóng được thay đổi, mà ngoài những pha bóng từng làm nức lòng người hâm mộ cả nước ở tuổi 19, chân sút gốc Nghệ An này đã luyện thêm cho mình một tuyệt kỹ, nguy hiểm chẳng khác nào những pha đi bóng từ cánh phải rồi kết thúc bằng chân trái cực kỳ khó cản phá của Arjen Robben.
Đặt hết niềm tin vào hàng công mang thương hiệu HAGL, hẳn HLV Hữu Thắng cực kỳ vui mừng khi ngoài chiêu "xuất quyền xuôi về một bên", lại có thêm được "cú rờ-ve" đến từ chân sút mình đặt nhiều niềm tin nhất. Động thái rút Công Phượng ra khỏi sân ở trận đấu vừa qua, phải chăng là một chiêu giấu bài để dành cho SEA Games?
Rất nhiều nhà chuyên môn đánh giá chưa bao giờ lứa cầu thủ dự SEA Games của Việt Nam lại mạnh như lúc này, nhưng để tạo nên bước đột biến lớn, đủ để đưa Việt Nam lần đầu tiên có được tấm huy chương vàng SEA Games hằng mong mỏi, hẳn phải đặt niềm tin vào "bộ pháp" của Hữu Thắng, cùng "cú rờ-ve" xuất chúng mang tên Công Phượng.