Trả lời câu hỏi đề nghị khẳng định thông tin Việt Nam tham gia các cuộc điện đàm vừa qua với các nước Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia trao đổi về hợp tác và phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, gây ra những tác động tiêu cực nặng nề cho hầu hết tất cả các quốc gia, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với mong muốn chung tay và đóng góp vào nỗ lực chung nhằm đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN, các tổ chức của Liên hợp quốc; tham gia nhiều cơ chế trao đổi với các hình thức và ở nhiều cấp khác nhau như Hội nghị quốc tế và khu vực, điện đàm song phương hoặc nhiều bên của Lãnh đạo cấp cao, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng…
Trên tinh thần đó, vừa qua, Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức, trong đó, Việt Nam cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, tại khu vực và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19.
Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Thời báo Ấn Độ (Times of India) đã đưa tin về cuộc họp trực tuyến giữa "Bộ tứ kim cương" - Quad, bao gồm 4 quốc gia là Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản với 3 quốc gia khác, gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.
"Hội nghị trực tuyến QUAD-Plus" thảo luận xung quanh vấn đề COVID-19 như phát triển vắc - xin, thách thức từ việc công dân bị kẹt lại nước sở tại, hỗ trợ các nước có nhu cầu và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu". Hội nghị được kỳ vọng tiếp tục khuôn khổ họp trực tuyến hằng tuần.