Ngoài ra, theo người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, để đạt được một nền hòa bình bền vững, phải chấm dứt việc cung cấp vũ khí và lính đánh thuê cho Kiev, Ukraine phải được đưa trở lại trạng thái trung lập phi khối và thế giới phải công nhận các thực tế lãnh thổ mới đã phát triển do thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Bà Zakharova nhấn mạnh rằng, việc phi quân sự hóa ở Ucraina, loại bỏ các mối đe dọa phát sinh từ lãnh thổ của nước này, củng cố tình trạng phi hạt nhân hóa và xác nhận các đảm bảo cho việc tuân thủ các quyền của người dân nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số cũng sẽ giải quyết tình hình. Bà nhấn mạnh rằng, Matxcơva sẵn sàng với các đề xuất nghiêm túc từ phương Tây và Kiev về một giải pháp chính trị và ngoại giao, nhưng ngôn ngữ của các tối hậu thư là không thể chấp nhận được đối với Liên bang Nga.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Nguồn: Reuters
Bằng cách này, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng trước tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba, người sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của “công thức hòa bình” do nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất. Theo bà Zakharova, "công thức" này là một tập hợp các yêu cầu tối hậu thư đối với Nga.
“Công thức hòa bình” mà Tổng thống Ucraina Zelensky đưa ra hồi cuối năm ngoái, gồm 10 điểm. Trong số đó có việc đảm bảo an ninh hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, trao đổi tù binh theo công thức "tất cả cho tất cả", và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Cho đến thời điểm này, việc mỗi bên giữ nguyên quan điểm của mình khiến cho tiến trình đàm phán hòa bình, giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine vẫn bế tắc. Các nỗ lực trung gian hòa giải chưa đem lại kết quả đáng kể nào, ngoài một số đợt trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine./.