Tại trụ sở quận Linshu ở miền đông Trung Quốc, một màn hình khổng lồ phủ kín bức tường cung cấp thông tin 24/7 về 600.000 cư dân trong quận. Điều này là nhờ vào gần 11.000 camera giám sát được lắp đặt trong khắp cả quận và bất kỳ chi tiết nào cũng được upload lên cơ sở dữ liệu của chính phủ.
Đây là nền tảng cho "bộ não thành phố" – một hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trên khắp Trung Quốc. Chúng được ứng dụng với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ truy vết tiếp xúc dịch bệnh cho đến giám sát các tụ tập bất hợp pháp tại nơi công cộng hay ô nhiễm dòng sông.
Từ chỗ chỉ các siêu thành phố mới có thể trang bị hệ thống này, giờ đây các quận như Haidian ở Bắc Kinh, quận Heshui với 150.000 dân ở Cam Túc cũng đang lắp đặt các hệ thống tương tự như vậy. Quận Linshu kể trên ở Quảng Đông mới bắt đầu đưa hệ thống này vào sử dụng từ tháng trước.
Bắt nguồn từ nhu cầu kiểm soát đại dịch Covid-19, các khoản chi tiêu lớn đã được đổ vào cơ sở hạ tầng để giúp thúc đẩy kinh tế thời kỳ hậu đại dịch. Cùng với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của công nghệ, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đang tăng cường áp dụng AI và đồng thời, công nghệ này cũng đang thay đổi cách vận hành của các cơ quan nhà nước này.
Trong khi có những mối lo ngại về quyền riêng tư cũng như bảo mật dữ liệu, công nghệ AI mới này mang lại nhiều lợi ích to lớn khác: giúp chính quyền dễ dàng xác định các vấn đề, nhanh chóng xử lý khiếu nại và hạn chế tình trạng tham nhũng. Ví dụ, nếu một cán bộ hoặc người thân của họ tham gia đấu thầu một dự án của chính phủ, một cảnh báo sẽ được bật lên như một phần trong tính năng chống tham nhũng của hệ thống này.
Bộ não thông minh cho mỗi thành phố
Ý tưởng về những thành phố vận hành thông qua máy tính không hề mới. Nó được đề xướng tại Mỹ từ những năm 1980 với việc thu thập dữ liệu thông qua mạng lưới các cảm biến thông minh hay Internet of Things để đưa ra quyết định trong việc quản lý thành phố. Trong khi đó hệ thống bộ não thành phố của Trung Quốc còn tiến xa hơn nữa.
Được thử nghiệm lần đầu vào năm 2016 ở thành phố Hàng Châu, hệ thống này được nền tảng đám mây của Alibaba phát triển. Ban đầu nó được sử dụng để điều khiển đèn giao thông trong thành phố, giúp tăng tốc độ di chuyển trung bình lên 15%. Công ty tiếp tục phát triển công nghệ này và giờ đây họ đã có trong tay một bản sao mô phỏng thành phố trên quy mô lớn để có thể huấn luyện hệ thống cách xử lý các tình huống phức tạp hơn như tấn công khủng bố hay dự đoán hướng phát triển thành phố trong những thập kỷ tới.
Tuy vậy, công nghệ này không hề rẻ. Khi được triển khai ở thành phố Hải Khẩu của đảo Hải Nam, dự án này tiêu tốn đến 156,3 triệu USD (khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ). Thông thường, hệ thống sẽ có 2 phần, bao gồm bộ phận lưu trữ, xử lý dữ liệu và phần còn lại là các máy tính hiệu năng cao để vận hành hệ thống AI. Chi phí triển khai phụ thuộc vào quy mô và độ phức tạp của hệ thống – theo website và các phương tiện truyền thông, tại hầu hết các khu vực triển khai hệ thống này, chi phí rơi vào khoảng vài trăm triệu Nhân dân tệ.
Chi phí quá lớn cho việc triển khai cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, đặc biệt là cho các khu vực quy mô nhỏ. Không những thế, việc nhiều địa phương vội vàng triển khai có thể dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và thất bại.
Theo ông Liu Jie, giáo sư quản trị thông tin tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, lo ngại rằng, việc quá phụ thuộc vào AI sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho xã hội. "Trên thực tế, khi hệ thống dần mở rộng và phát triển sâu hơn, một hệ quả có thể là sẽ làm mọi người sống một cuộc sống theo kế hoạch và không làm những công việc mang tính sáng tạo, trong khi chính phủ trở thành một tổ chức kỹ trị."
Tham khảo SCMP