Bò lăn với quy định "bún bò Huế"

Hoàng Xuân |

Các bác bảo em chặt chính xác mỗi khoanh giò 2,5 cm-3 cm, thì em phải lấy thước đo mới chuẩn được.

Đầu tuần mà em buồn quá, các bác ạ!

Chả là gia tộc em có nghề gia truyền là bán bún bò Huế, đã vậy lại còn hiểu biết pháp luật, nên khi quy chế về sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành là phấn khởi xin thực hiện ngay.

Tâm thư của một người bán bún bò gia truyền

Thế nhưng mà:

- Nước dùng nổi nhiều váng mỡ trên mặt.

- Thịt giò heo chặt thành khoanh tròn dài khoảng 2.5 - 3cm. Không ninh quá kỹ, chỉ vừa đủ độ chín đảm bảo giữ miếng thịt được giòn, ngọt và không bị nhừ.

- Các loại chả (cua, heo, bò kích cỡ đều, đẹp mắt.

- Nước dùng được ninh bởi lửa nhỏ với nồi nấu có miệng vum để xương và thịt tiết ngọt từ từ (chú ý không đậy nắp khi nước sôi và vớt bọt trong khi hầm).

- Các loại gia vị như: nước mắm, ớt tươi, tương ớt, chanh.

- Số chỗ ngồi tối thiểu phục vụ được 24 khách trong 1 lượt.

- Dụng cụ phục vụ: Bát (tô), thìa (muỗng), đĩa kê bằng sứ; đũa tre.

(Trích Bảng tiêu chí chứng nhận, sản phẩm/dịch vụ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" (Ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Thì em chịu. Em bó toàn thân, các bác ạ!

Vì khách quán em toàn các cụ hưu trí hay các cô tre trẻ, có con nhỏ. Họ không thích nước dùng "có váng mỡ trên mặt" hay "nổi váng màu đỏ cam trên mặt của ớt phi dầu (hoặc mỡ)". Vì béo lắm, cay nữa, người có tuổi và trẻ con không ăn được, các cô thì sợ mập.

Miếng giò thì ngược lại, họ thích phải cắn ngập răng, dày độ ngón tay cái và mềm nhừ cơ, chứ giòn giòn thì các cụ và các cháu cũng không xơi. Hơn nữa, bảo em chặt chính xác mỗi khoanh giò 2,5 cm-3 cm, thì em phải lấy thước đo mới chuẩn được. Em chưa nghĩ ra công cụ nào để đo cho vừa nhanh vừa chuẩn.

Về gia vị: quán em dùng sa tế, tức là ớt và tỏi chưng lên. Bây giờ bảo em chỉ được dùng mỗi ớt tươi, thế nếu khách đòi sa tế mà quán cung cấp là quán vi phạm pháp luật ư?

Quán em mở tại nhà, độ 5 bàn, 20 khách cùng vào một lúc là đầy ự. Kể kê thêm cái bàn đâu đó ngoài hè cho đủ 24 khách/lượt thì cũng được, nhưng "giời mưa ở Huế sao buồn quá/cứ kéo ra dài đến mấy ngày" (thơ Nguyễn Bính), mà ngồi ngoài ấy thì tô bún lại không đáp ứng được tiêu chí "giữ nóng 85 đến 90 độ C" như quy chế.

Em cũng không thể đứng "vớt bọt trong khi hầm" cho nồi nước dùng được trong như các bác lãnh đạo tỉnh yêu cầu. Vì mỗi ngày nhà em nấu đến hàng chục nồi cho hệ thống quán của gia đình rải rác khắp thành phố. Đứng mà vớt cho đủ mặt, em chết.

Bát chén, nhà em dùng bát gốm chiết yêu, đũa lại dùng đũa gỗ mun bịt bạc. Thế là toi, không đáp ứng được yêu cầu bát sứ đũa tre của UBND tỉnh rồi các bác ạ.

Đấy, cho nên em không được dùng cái nhãn hiệu "Bún bò Huế" của Huế nữa rồi. Nhưng thế thì ức lắm, ức không chịu được, vì em muốn ủng hộ Huế cơ mà.

Nói thật là quyết định này đùa đấy

Thực ra câu chuyện đùa trên không hẳn là đùa. Vi theo Quyết định 1623 của tỉnh Thừa Thiên-Huế, cơ sở nào dùng nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" mà không đáp ứng đúng các tiêu chí như trên tức là vi phạm, sẽ bị xử lý.

Ấy thế nhưng mà câu chuyện trên, chính xác lại vẫn là đùa.

Là vì, trên báo Tuổi Trẻ, khi được chất vấn về quy chế này, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định "... việc thực hiện theo đúng nguyên tắc, là chuyện không bao giờ khả thi, không bao giờ có".

Ơ, đề ra cả một Quy chế với mấy bộ tiêu chí thật chi ly rồi tự phủ nhận ngay là nó sẽ "không bao giờ khả thi", vậy thực ra tỉnh đang nhắm đến điều gì?

Ông Thọ nói tiếp: "Nhưng ít ra là cũng có tính răn đe, rằng muốn sản xuất bún bò Huế thì tối thiểu là phải thực hiện theo các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định để người dùng cảm nhận được đây là tô bún bò Huế!".

À, nghĩa là quyết định hết sức chi tiết này chủ yếu là để... thay lời muốn nói, nói hộ cõi lòng của người ăn bún bò Huế!

Nhưng một văn bản quản lý Nhà nước, thể hiện quyền lực của nhà nước như Quyết định nói trên thì không thể chỉ ban hành ra mà không tính đến hiệu lực thực thi.

Về mặt pháp lý, đây là văn bản hành chính ký tên đóng dấu UBND tỉnh, mang tính bắt buộc thực hiện (với những cơ sở sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế".

Nó thể hiện quyền lực Nhà nước, dùng để điều tiết các quá trình xã hội theo mục đích định trước (ở đây là mong muốn "chuẩn hóa" tô bún bò Huế, theo cảm quan của những người tham gia soạn thảo).

Theo Giáo trình về kỹ thuật soạn thảo văn bản do một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Tư pháp soan thảo, ngôn ngữ của văn bản hành chính phải chính xác, rõ ràng, mạch lạc, chỉ cho phép hiểu theo một cách, không cho phép hiểu đại khái, chung chung, hay mập mờ.

Nó phải thể hiện ý chí Nhà nước ở mức tối đa, giảm yếu tố cá nhân ở mức tối thiểu; không dùng các câu, từ mang sắc thái biểu cảm, các biện pháp tu từ, những hình ảnh bóng bẩy, cầu kỳ...

Đối chiếu với bộ tiêu chí định khung kèm theo quyết định nói trên, với các tính từ xác định "mùi sả nồng hơn, mùi rau gia vị và ruốc thơm nhẹ hơn", "thịt giòn" "rau ở trạng thái tươi tự nhiên"... thì yêu cầu "chỉ được hiểu theo một nghĩa" đã không thể đạt được.

Vì như thế nào là nồng, thơm nhẹ, giòn, mềm nhừ hay tươi... hoàn toàn phụ thuộc vào cái mũi và cái lưỡi của mỗi người. Không ai giống ai cả, kể cả chuyên gia ẩm thực!

Đặc biệt hơn cả, có thể nói đây là lần đầu tiên một quyết định của cấp tỉnh được chính vị lãnh đạo ký ban hành ra nó "xuống tay" phũ phàng đến vậy.

Trong lịch sử biên soạn văn bản quy định pháp luật gần đây, không ít trường hợp cười ra nước mắt, như quy định nước thải sau chăn nuôi phải đạt mức uống được, chứng minh thư phải ghi tên cha mẹ, đãi đám cưới không được quá 300 người... (đều bị thu hồi chỉ sau vỏn vẹn một tháng ban hành).

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện 58 văn bản trái pháp luật cả về thẩm quyền và nội dung. Con số này là bước tiến vượt bậc so với chỉ hai năm trước đó, khi có đến 7.000 (dạ, bảy ngàn) văn bản bị phát hiện trái pháp luật của tất cả các cấp, ngành và địa phương được ban hành.

Nghĩa là rất nhiều giờ lao động của rất nhiều trí thức thuộc hàng tinh hoa của đất nước, bị lạm phát trầm trọng. Tuy nhiên, trong số những văn bản ấy có những văn bản chỉ sai về kỹ thuật lập pháp. Sửa đi vẫn dùng được. Không có văn bản nào lập ra chỉ để "dọa" cả.

Với quyết định "bún bò", nếu đã đoán trước nó cũng sẽ bất khả thi, thì UBND Thừa Thiên-Huế còn chịu cực soạn thảo và ban hành làm gì? Có biết bao việc cấp bách hơn của xã hội cần điều chỉnh cơ mà?

Một lời nói ra như dao chém đá. Đấy là nói về các quyết định mệnh lệnh có tính quyền lực của cấp quản lý có hiệu quả, có hiệu lực. Nhân dân và xã hội yêu cầu điều đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại