Tại họp báo sáng 6/10, trả lời câu hỏi của VietNamNet về ý kiến cho rằng tiền cho KHCN nhiều năm qua chưa đạt được mục tiêu 2% tổng chi ngân sách nhưng chưa bao giờ chi hết, thậm chí nhiều nơi sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho rằng đây là những câu hỏi "ở tầm vĩ mô rất lớn" và "Bộ KHCN cũng như Chính phủ sẽ cố gắng trả lời nhưng khó đáp ứng hết được".
Trong phần trả lời theo phân công, ông Bùi Thế Duy cho rằng, những ý kiến về vấn đề sử dụng ngân sách cho KHCN trong cuộc họp của UB Thường vụ QH là những ý kiến thảo luận chứ chưa phải phải là kết luận cuối cùng của Thường vụ QH.
"Sau khi Thường vụ QH thảo luận, nghe giải trình thêm của đoàn giám sát, Chính phủ trong đó có Bộ KHCN mới có Nghị quyết cuối cùng" - ông Duy khẳng định.
Đối với vấn đề ngân sách cho KHCN, ông Duy cho rằng, việc "tiêu không hết" là do đặc thù của các đề tài chi cho KHCN.
Ông Duy lý giải, kinh phí cấp cho một đề tài có thể kéo dài từ 2-3 năm. Trong đó các đề tài có cơ chế là không tiêu theo năm tài chính mà được nghiệm thu theo thời gian của đề tài dự án, nghĩa là 2-3 năm sau mới nghiệm thu.
Như vậy, dự kiến kinh phí phân bổ đề tài dự án năm đó có thể chuyển tiếp sang các năm tiếp theo của các nhiệm vụ KHCN để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà KH.
"Vì vậy, nếu ta tính toán thì hàng năm sẽ có khoản kinh phí chuyển tiếp sang năm tiếp theo, nghe có vẻ như tiêu không hết nhưng thực ra là cuốn chiếu, tức là của năm đó thì tiêu trong phạm vi thời gian dự án" - ông Duy nói.
Đối với vấn đề một số nơi chi ngân sách cho KHCN sai mục đích, ông Duy cho rằng, đây là kết quả của đoàn giám sát về hoạt động KHCN tại các địa phương, do đó để biết cụ thể những địa phương nào thì cần phải hỏi thêm các thành viên của Thường vụ QH là trưởng đoàn giám sát.
Tuy nhiên, ông Duy cũng khẳng định, Bộ KHCN có biết một số địa phương có thể nhận thấy một số nhiệm vụ cấp thiết hơn như phát triển hạ tầng thì sẽ chuyển kinh phí của KHCN sang cho các nhiệm vụ đó.
"Đây được xác định là tiêu sai mục đích" - ông Duy cho hay.
Đối với vấn đề lãng phí, ông Duy cho rằng, không chỉ lĩnh vực KHCN mà nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa đạt được hiệu quả cao nhất về sử dụng hiệu quả kinh phí. "Việc này do nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau" - ông Duy nói.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp UB Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ngân sách chi cho KHCN trong nhiều năm qua chưa bao giờ tiêu hết trong khi đó vẫn còn hiện tượng sử dụng không đúng mục đích, đề tài tràn lan, manh mún, thậm chí lãng phí.
Mỹ tiêu tiền cho KHCN cũng chậm
Trả lời câu hỏi của Truyền hình VOV về thông tin hiện vẫn còn 200 tỷ ngân sách cho KHCN vẫn chưa chi hết, Thứ trưởng Phạm Công Tạc trước khi phân công ông Bùi Thế Duy trả lời đã bình luận rằng, việc tiêu tiền cho KH chậm không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước tiên tiến nhất như Mỹ.
Ông Tạc dẫn ví dụ về báo cáo tài chính trước QH Mỹ vào cuối năm 2011 cho thấy, việc sử dụng gói kích cầu cho khoa học chỉ tiêu được 5%, thấp nhất trong số các ngành và khẳng định, ở những nước văn minh nhất việc sử dụng kinh phí cho khoa học cũng luôn chậm chễ.
Mặc dù vậy, ông Tạc cho rằng, ví dụ nói trên không nhằm trốn tránh trách nhiệm của Bộ KHCN trong vấn đề "vì sao lại tiêu tiền chậm như vậy".
Trong phần giải thích của mình, ông Duy cho rằng, kinh phí cho khoa học công nghệ có kinh phí dự kiến phân bổ cho các chương trình và kinh phí đã được giải ngân triển khai cho các đề tài.
Theo đó, kinh phí năm 2016 đã được phân bổ hết cho các chương trình, dự án đáp ứng mục tiêu phát triển KHCN 2016. Tuy nhiên, để kinh phí giải ngân được thì phải trải qua một số thủ tục nhất định.
Trong khi đó, năm 2016 là năm đầu tiên của một chu kỳ 5 năm nên các chương trình đều được phê duyệt lại mục tiêu, định hướng do vậy cần có thời gian để xây dựng khugn chương trình.
"Liên quan tới 200 tỉ đồng này cũng đang hoàn thiện bước cuối cùng trong việc tuyển chọn đề tài cho các chương trình dự án" - ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, trong một vài năm gần đây, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế tài chính mới cho hoạt động KHCN do đó cần có thời gian để các đơn vị, nhà khoa học làm quen nên "có độ trễ nhất định".