Bộ GTVT trình hàng loạt quy định siết Uber, Grab

Viết Long |

Bộ GTVT siết quản lý hoạt động loại hình Uber, Grab bằng nhiều điều kiện như phải dán logo, gửi hóa đơn điện tử tới cơ quan thuế, chịu trách nhiệm khi có sự cố.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Theo đó, loại hình Uber, Grab phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu. Cụ thể, đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải đăng ký với Bộ GTVT và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Không được cung cấp dịch vụ trên cho hộ kinh doanh vận tải, cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, hai đối tác phải quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý điều hành phương tiện, lái xe, giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) của hành khách và thực hiện chi trả các khoản thuế, phí; các điều khoản dừng cung cấp dịch vụ khi vi phạm.

Bộ GTVT trình hàng loạt quy định siết Uber, Grab - Ảnh 1.

Năm 2017 chứng kiến một cuộc chiến giữa loại hình Uber, Grab và taxi truyền thống. Ảnh: V.LONG

Ngoài ra, phải phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để giải quyết các khiếu nại của khách hàng thuộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng buộc đơn vị cung cấp dịch vụ gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử tới Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đặc biệt, loại hình Uber, Grab phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định. Kích thước tối thiểu của biểu trưng (logo) là 90 mm x 80 mm (dài x rộng).

Trong khi đó, dự thảo nghị định trên cũng buộc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện hợp đồng vận tải điện tử phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định.

Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng; xây dựng và ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin khiếu nại, phản ánh, góp ý của hành khách đối với dịch vụ kết nối. Giải quyết các khiếu nại của khách hàng thuộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến những quy định trên, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết việc bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi được sử dụng dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử theo quy định để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, ứng dụng công nghệ điều hành hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi.

“Bên cạnh đó, việc bổ sung điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử để đảm bảo cân bằng với các điều kiện của xe taxi, đồng thời phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế. Nội dung này tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi và các Hiệp hội vận tải...”, lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định.

Xe taxi có niên hạn 12 năm

Theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định trên cũng quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (quy định hiện hành, niên hạn của xe taxi không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt, 12 năm đối với địa phương khác).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại