Bộ gen người cổ đại làm sáng tỏ lịch sử Đông Á

Thanh Tùng |

Đây là lần đầu tiên bộ gen của những nông dân thời cổ đại vùng Đông Á được phân tích trên quy mô lớn để làm sáng tỏ nguồn gốc và sự di cư của cư dân nơi đây.

Bộ gen người cổ đại làm sáng tỏ lịch sử Đông Á - Ảnh 1.

Bộ xương cổ 8.400 năm tuổi được tìm thấy khi khai quật tại Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh theo Nature.com

Các nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về bộ gen người cổ đại từ khu vực cho thấy nhiều cư dân có nguồn gốc từ hai quần thể khác biệt một thời bắt đầu trộn lẫn sau sự phát triển của nông nghiệp khoảng 10.000 năm trước. Nghiên cứu cũng cho thấy, mối liên hệ giữa người cổ đại kéo dài từ miền Nam Trung Quốc đến Nam Thái Bình Dương và mối liên hệ giữa những cư dân ven biển có thể đưa ra manh mối về cách con người đến định cư ở Đông Á.

Những phát hiện này xuất phát từ một nghiên cứu, đăng trên tạp chí Science, phân tích bộ gen của hai chục người Trung Quốc cổ đại và gần 200 bộ gen cổ đại từ khắp Đông Á. Người Đông Á đương đại có nguồn gốc từ những người rời khỏi châu Phi 50.000 - 100.000 năm trước. Nhưng các nhà nghiên cứu biết rất ít về sự dịch chuyển dân số cổ đại. Chỉ một số ít bộ gen người cổ đại từ Đông Á được công bố và không rõ các sự kiện quan trọng, như phát triển nông nghiệp – đã làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc di truyền của người Âu Á như thế nào.

Một nhóm nghiên cứu do Qiaomei Fu, nhà di truyền học dân số tại Viện Cổ sinh vật học và Cổ nhân chủng học ở Bắc Kinh, đã phân tích bộ gen của 24 cá nhân sống ở Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc hiện nay, từ 9.500 - 300 năm trước. Hầu hết, các bộ gen đến từ các địa điểm khảo cổ ở lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Đông Bắc Trung Quốc, hoặc cách đó hơn 1.000 km, ở tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Nam Trung Quốc.

Phân chia Nam - Bắc

Trong thời kỳ đồ đá mới, khoảng 10.000 - 6.000 năm trước, những người từ hai khu vực địa lý này có sự khác biệt về mặt di truyền, nhóm của Fu cho biết. Nhưng theo thời gian, họ bắt đầu trộn lẫn: Người Trung Quốc đương đại có phần lớn tổ tiên bắt nguồn từ các nhóm phía Bắc, nhưng cũng liên quan đến người Phúc Kiến cổ đại ở các mức độ khác nhau (những người từ miền Nam Trung Quốc có xu hướng gần gũi nhất). Nhóm của Fu không biết chính xác khi nào những người này bắt đầu lai giống với nhau, nhưng họ đã thấy những dấu hiệu di truyền phía bắc lan sang phía Đông Nam Trung Quốc khoảng 5.000 - 4.000 năm trước.

Điều này cho thấy, nông nghiệp ở Đông Á có thể đã lan rộng thông qua sự pha trộn giữa nông dân và người săn bắt hái lượm, Ling Qin, nhà khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh nhận định. Điều đó khác với những nghiên cứu về bộ gen cổ đại đã tìm thấy ở phía Tây Âu Á, nơi nông dân có tổ tiên ở Trung Đông thay thế phần lớn những người săn bắn hái lượm ở châu Âu.

Nông dân ở lưu vực sông Hoàng Hà cũng di chuyển về phía Tây. Một nhóm nghiên cứu do David Reich, nhà di truyền học dân số tại Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts, đồng tác giả nghiên cứu của Fu, đã phân tích bộ gen của 20 cá nhân 5.000 tuổi từ khu vực này và tìm thấy mối liên hệ với người Tây Tạng đương đại. Kết quả của họ là một phần trong nghiên cứu 191 cá nhân cổ đại từ Đông Á đã được đăng lên máy chủ bioRxiv vào ngày 25/3.

Những người họ hàng xa

Các nghiên cứu cũng tiết lộ một số liên hệ với khoảng cách xa đáng ngạc nhiên. Những người thời kỳ đồ đá sống gần bờ biển Trung Quốc, dù ở phía Đông Bắc hay Đông Nam, có chung một số tổ tiên với các cá nhân cổ đại từ các địa điểm ven biển ở Đông Nam Á và Nhật Bản. "Điều đó có nghĩa là toàn bộ bờ biển Đông Á là một nơi thực sự quan trọng đối với người dân di cư", Fu nói. Reich và nhóm của ông đã tìm thấy một mối liên hệ tương tự, mà họ nói có thể là bằng chứng cho thấy, người hiện đại lần đầu định cư ở Đông Á dọc theo một tuyến đường ven biển.

Tổ tiên từ phía Đông Nam Trung Quốc đã trải dài thậm chí xa hơn. Nhóm của Fu đã phát hiện thấy các cá nhân thời kỳ đồ đá mới ở Phúc Kiến và các đảo ở eo biển Đài Loan có liên quan mật thiết với những người dân đảo cổ tại Vanuatu ở vùng biển châu Đại Dương xa xôi. Các nghiên cứu về bộ gen cổ đại trước đây đã ghi nhận sự lan rộng của tổ tiên này từ Đông Á đến châu Đại Dương và nghiên cứu của Fu cho thấy, nhóm này có nguồn gốc ở miền nam Trung Quốc.

Kết luận này có ý nghĩa, Matthew Spriggs, một nhà khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra nói. Bằng chứng khảo cổ và di truyền đã liên kết việc di cư Nam Thái Bình Dương với người cổ đại ở Đài Loan, nơi cư dân thời kỳ đồ đá mới có lẽ đến từ các vùng phía Nam của đại lục.

Ling Qin nói rằng, người dân miền Nam Trung Quốc cổ đại trong nghiên cứu của Fu, sống trong một cái túi biệt lập có thể không đại diện cho cả khu vực rộng lớn hơn này. Ưu tiên là thiết lập trình tự DNA của những người nông dân đầu tiên từ lưu vực sông Dương Tử ở miền Nam Trung Quốc, một trung tâm thuần hóa lúa nước và là nguồn di cư tiềm năng khác.

"Các nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu hy vọng rằng bộ gen cổ đại sẽ giúp họ hiểu sâu hơn lịch sử ban đầu của Đông Á - Pontus Skoglund, một nhà di truyền học dân số tại Viện Nghiên cứu Crick ở London, rất muốn biết liệu người Homo sapiens đầu tiên định cư trong khu vực có lai giống với người Denisovans, một nhóm hominin đã tuyệt chủng hay không. Tôi nghĩ rằng, một trong những câu hỏi lớn thú vị nhất của khu vực liên quan đến khu định cư thời tiền đồ đá mới là - Những người hiện đại sớm nhất trong khu vực là ai?" - Martin Sikora, một nhà di truyền học tại Đại học Copenhagen nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại