Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023

Minh Phong |

Tuyển sinh năm 2023, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào hệ chính quy.

Thí sinh tìm hiểu về Học viện Tài chính tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp năm 2023.

Thí sinh tìm hiểu về Học viện Tài chính tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp năm 2023.

Nguồn tuyển chính

Năm nay, theo đề án tuyển sinh của Học viện Tài chính sẽ tuyển 4.200 chỉ tiêu, tăng 200 chỉ tiêu so với năm trước. Trong đó chương trình chuẩn tuyển 3.000 sinh viên. Chương trình đào tạo chất lượng cao, hơn 1.000 sinh viên. Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120 sinh viên. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay, trong 5 phương thức xét tuyển, học viện vẫn “trọng dụng” phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để tuyển sinh khoảng 50% chỉ tiêu.

Học viện Chính sách và Phát triển có giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT ở mùa tuyển sinh này. Song, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện khẳng định, sự biến động không quá nhiều, vì Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đang sử dụng rất tối ưu.

Sau khi chạy kết quả xét tuyển toàn quốc, mỗi thí sinh sẽ có một cơ hội trúng tuyển. Do đó, dù thí sinh có đăng ký nhiều nguyện vọng, với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thì cũng chỉ có một cơ hội trúng tuyển.

TS Phan Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) thông tin, nhà trường dành 60% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Thực tế cho thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tạo được sự tin tưởng từ xã hội và được xác định là thước đo chung cho thí sinh cả nước. Khi chưa có kỳ thi hay hình thức xét tuyển đủ mạnh để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT thì nhiều trường vẫn sẽ tin tưởng, coi đây là nguồn tuyển sinh chính” - TS Phan Đức Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế, phát huy quyền tự chủ, hầu hết các cơ sở đào tạo đều mở thêm một số phương thức tuyển sinh. Việc này nhằm đa dạng hóa nguồn tuyển và tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng và xét tuyển theo điểm thi của kỳ thi.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đặc biệt lưu ý thí sinh, điểm thi THPT rất quan trọng và hầu hết các trường đại học đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

“Năm 2022, trong khoảng 20 phương thức xét tuyển, thì tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023 - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

“Tấm vé” thông hành

Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù không mang mục đích “2 trong 1” nhưng kết quả vẫn đảm bảo tính công bằng, đánh giá chung chất lượng học sinh cả nước. Đây là thước đo để các trường cạnh tranh nguồn tuyển đầu vào.

“Đặt giả thiết, nếu mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng thì sẽ khó quản lý về chất lượng và tốn kém cho đơn vị và thí sinh, gây khó khăn trong việc di chuyển, ôn luyện, tham gia làm bài thi. Do vậy, điểm thi THPT vẫn là cách thức tốt để các trường xác định nguồn tuyển đầu vào ít nhất trong giai đoạn vài năm tới” - TS Lê Viết Khuyến trao đổi. Đồng thời, ông mong muốn, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay phân hóa tốt hơn để các trường yên tâm tuyển sinh và đánh giá đúng chất lượng thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khuyến nghị, với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hoặc có phương pháp, phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo tính phân loại cao, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã thông báo xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực; đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp…

Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Các chuyên gia và giáo viên THPT lưu ý, thời điểm này, thí sinh cần tập trung cao độ cho học tập, ôn thi tốt nghiệp THPT, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

TS Phan Đức Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh: Kết quả cao, đồng nghĩa các em sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học theo nguyện vọng mà mình đăng ký xét tuyển.

“Cần nhìn nhận, tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng, là “tấm vé” thông hành để các em đủ điều kiện vào đại học. Do đó, thí sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc, tuyệt đối không lơ là, chủ quan” - TS Phan Đức Tuấn khuyến cáo.

Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học cần triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, cần có biện pháp khắc phục tình trạng thí sinh không đủ điều kiện sức khoẻ, không đảm bảo về lý lịch chính trị không được nhập học đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang. Cơ sở đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm và phối hợp với các trường liên quan giải quyết các rủi ro (nếu có).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại