Bộ Công thương quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra

T.Công |

Giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2010 đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng, Bộ Công thương cho biết.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, tổ chức chiều 17/10.

Nền kinh tế Việt Nam về cơ bản được Bộ Công thương nhìn nhận là tốt với nhiều cơ hội được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do ký kết trong thời gian trở lại đây. Đó là những ưu đãi về thuế quan, phi thuế quan cho hàng hoá Việt, từ đó góp pần gia tăng kim ngạch thương mại cho đất nước và mở cửa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào.

Dù vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế cũng chứa đựng nhiều nhân tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Bộ Công thương cho rằng về dài hạn, Việt Nam bị thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Mặt khác, phía Bộ Công thương nhận xét Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều tác động từ xu hướng bảo hộ thương mại. Nhằm bảo đảm sự tăng trưởng nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, theo Bộ Công thương. Mức tăng này còn cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2010. Do đó đã gây nên quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình trạng tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích luỹ trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là một nhân tố đáng lưu ý. Sự căng thẳng gia tăng khiến Bộ Công thương bày tỏ có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm lại, Bộ Công thương nói rằng thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện, công nghiệp phụ trợ yếu kém, nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện... Những điều này khiến các nhà đầu tư bị dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.

Tuy nhiên, Bộ Công thương "trấn an" rằng sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đơn cử như cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Hay Bộ Công thương khẳng định tiếp tục cắt giảm các thủ tục kinh doanh, đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Việc làm này được nhìn nhận như là một nhiệm vụ xuyên suốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại