Lực lượng Ukraine hành quân ở vùng Donetsk ở miền đông nước này ngày 5-10 - Ảnh: AFP
Bộ chỉ huy quân đội miền nam Ukraine khẳng định nước này đã tái chiếm hơn 400km2 lãnh thổ ở Kherson trong vòng chưa đầy một tuần, trong khi phương Tây siết các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
"Chúng tôi không nói hướng nào nhưng hơn 400km2 ở vùng Kherson đã được giải phóng. Chúng tôi đang tiến về phía trước", người phát ngôn Natalia Gumeniuk của Bộ chỉ huy quân đội miền nam Ukraine nói với Hãng thông tấn Ukrinform. Kherson là một trong bốn vùng ở Ukraine mà Nga vừa sáp nhập.
Trong khi đó, quân đội Nga cho biết lực lượng Ukraine đã triển khai bốn tiểu đoàn và "nhiều lần nỗ lực xuyên thủng hệ thống phòng thủ của chúng tôi" gần Dudchany, Sukhanove, Sadok và Bruskinskoe, thuộc vùng Kherson. Tuy nhiên Nga khẳng định đã đẩy lùi lực lượng Ukraine ở mặt trận phía nam.
Tại vùng vừa mới sáp nhập khác là Zaporizhzhia, Hãng tin AFP dẫn lời chính quyền Ukraine nói rằng Nga tiếp tục không kích dữ dội tại khu vực này. Chiến sự nóng bỏng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký luật sáp nhập và bổ nhiệm lãnh đạo lâm thời tại bốn vùng trên, gồm vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine.
Trên mặt trận ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) ngày 5-10 cũng nhất trí về các biện pháp trừng phạt thứ tám đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt này sẽ gồm cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy và các hàng hóa khác từ Nga cũng như cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga.
EU cũng cấm nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá từ Nga. Các biện pháp này sẽ áp dụng giá trần với dầu mỏ của Nga. Ngoài ra, hàng chục cá nhân của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Gói trừng phạt này sẽ được thảo luận tại hội nghị không chính thức lãnh đạo các nước EU dự kiến diễn ra trong ngày 6 và 7-10 tại CH Czech.
“Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế chiến tranh của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga và đang nhanh chóng giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga...”, Đài RT dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, cho biết.
Dù vậy, ông Borrell khẳng định các nước thành viên của EU sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng biện pháp ngoại giao "nếu hoàn cảnh cho phép".