Đau đớn con mới chào đời đã tử vong
Chưa kịp vui mừng vì con trai chào đời, anh Devendra Kashyap, ở Ấn Độ, đã vội vã lái xe máy đưa đứa con bé bỏng đến một bệnh viện khác, sau khi bác sĩ thông báo không thể điều trị vấn đề hô hấp mà bé mắc phải.
Tuy nhiên, bệnh viện mà anh Devendra đưa con đến để chữa trị không mấy khá khẩm hơn, các trang thiết bị cũng như bệnh viện trước đó. "Đêm hôm đó, các y tá không quan tâm đến con tôi và họ bận... nghe nhạc", Devendra nói.
Ảnh minh họa.
Khoảng 1 giờ sáng, y tá bắt đầu tiêm cho đứa trẻ. Tuy nhiên, ông bố này không khỏi hốt hoảng khi phát hiện con chuyển sang tím tái sau mũi tiêm này.
Sau đó, đứa trẻ tử vong trong nỗi xót xa của gia đình. Cái chết tức tưởi của con khiến người bố này và gia đình không khỏi phẫn nộ.
Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên Devendra không đệ đơn kiện bệnh viện. Họ chỉ là một trong số hàng ngàn người ở Ấn Độ phải chịu thiệt thòi do sự yếu kém của hệ thống y tế không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh.
Các bệnh viện và phòng khám tư nhân đã giải quyết được những vấn đề phát sinh của bệnh viện công với trang thiết bị nghèo nàn, quá tải...
Nhiều bệnh viện công đang bị quá tải do thiếu vốn đầu tư, thiếu bác sĩ, y tá, giường bệnh và thiết bị.
Trong khi dân số Ấn Độ tăng khoảng 15 triệu người mỗi năm, nhưng ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe không tăng tương xứng với tốc độ tăng dân số.
Ảnh minh họa.
Dư luận Ấn Độ vẫn chưa quên được "thảm họa y tế" tồi tệ nhất xảy ra tại Bệnh viện Baba Raghav Das (BRD) ở Uttar Pradesh. Bệnh viện này thiếu oxy lỏng dẫn đến cái chết của hơn 60 trẻ em hồi tháng 8/2017.
Nguyên nhân dẫn đến không có oxy lỏng do bệnh viện không thanh toán tiền cho nhà cung cấp nên việc cung cấp oxy bị ngừng lại.
Mỗi bang xác định mức chi ngân sách của địa phương phân bổ cho các cơ quan của chính phủ. Tuy nhiên, bang Uttar Pradesh nghèo khó lại không ưu tiên dành tiên cho việc chăm sóc sức khỏe.
Theo nhà báo Manoj Singh, Bệnh viện Baba Raghav là địa điểm điều trị miễn phí cho 50 triệu người mỗi năm, nhưng luôn lâm vào cảnh thiếu tiền. Được biết, bệnh viện này là cơ sở y tế điều trị bệnh viêm não Nhật Bản.
Mỗi ngày, cơ sở y tế này tiếp nhận từ 300-350 trẻ em. Tuy nhiên, trong vòng 5 ngày, từ 7-11/8/2017, có hơn 60 trẻ bị ngạt do thiếu oxy dẫn đến tử vong.
Rihanna Khatoon, một người mẹ có con tử vong vào thời điểm đó cho hay: "Chúng tôi đưa con đến bệnh viện để chữa trị, nhưng trong vòng chưa đến 24 tiếng, mọi thứ đã kết thúc".
Thảm kịch này đã dấy lên sự phẫn nộ trên khắp Ấn Độ. Ngoài ra, chính quyền bang đã bắt giữ 7 người, trong đó có bác sĩ, kế toán và đơn vị cung cấp oxy.
Không phải chỉ do thiếu tiền?
Ở một góc nhìn khác, có người cho rằng hệ thống y tế công của Ấn Độ không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh không phải chỉ do thiếu tiền.
Nhân viên bảo trợ xã hội Vandan Prasad cho hay hệ thống y tế của nước này được chia theo các tầng khác nhau.
Trong đó, thấp nhất là các cơ sở y tế cấp thôn bản, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu ở nông thôn, cơ sở y tế cấp huyện và các bệnh viện ở những trường Đại học giảng dạy ngành y.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, hầu hết các cải cách và đầu tư chỉ tập trung cho các bệnh viện ở những trường giảng dạy ngành y.
"Điều đó có nghĩa là nhiều người đi tới các bệnh viện ở cấp cao nhất gây tốn kém, nhiều phiền phức... trong khi họ có thể được chữa trị ở gần nhà", bà nói.
Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá cũng cho rằng những trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của các bang không làm tròn được trách nhiệm của mình.
Tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe thuộc Cao đẳng Y tế BRD, người đứng đầu là dược sĩ Renu Chauhan, không có đủ tiêu chuẩn để khám cho bệnh nhân.
Theo dược sĩ Renu Chauhan, trung tâm này không có bác sĩ trong 7 tháng, do không ai đến làm việc. Bởi, nhiều người tốt nghiệp ngành y chọn làm việc ở thành phố để có mức lương cao hơn.
Vì vậy, các bệnh nhân muốn được khám bệnh phải đi thêm 8km để tới một cơ sở y tế khác.
Sự bất cập ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu buộc bệnh nhân phải chuyển sang những bệnh viện lớn hơn. Ở làng Gumla, Ấn Độ, chỉ có một y tá làm việc cùng một sinh viên thực tập hỗ trợ, trong khi cơ sở y tế này có 100 giường bệnh.
Ngoài ra, không có ai trực ca đêm, nên bệnh nhân sẽ phải gọi cho y tá hoặc bác sĩ để được khám, chữa trị khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Không chỉ có vậy, cơ sở vật chất của trung tâm chăm sóc sức khỏe ở làng Gumla thiếu thốn đủ bề. Trung tâm không có đủ bóng đèn dẫn đến việc truyền cho trẻ gặp nhiều khó khăn.
Được biết, trung tâm có một máy phát điện nhưng không đủ cung cấp ánh sáng để có thể lấy ven cho trẻ. Bên cạnh đó, thách thức với những người làm y tế còn là thiếu bác sĩ và máy thở để phục vụ khám, chữa bệnh.
Với một đất nước 1,3 tỷ người như Ấn Độ, tỷ lệ bác sĩ phải là 1/1000 bệnh nhân nhưng ở nước này tỷ lệ này là 1/1.600 bệnh nhân.
Nhiều bác sĩ phải làm việc quá sức, khám cho hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Điều đáng nói là chỉ có 10% các bác sĩ làm việc ở các bệnh viện công và chọn làm ở thành phố thay vì đi về các vùng nông thôn.
Để giải quyết những thách thức của ngành y tế, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra chính sách y tế quốc gia mới.
Trong đó, chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho y tế công chiếm 2,5% GDP vào năm 2025. Bên cạnh đó, các bang cũng đưa ra những chương trình, bước đi để nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế.
(Nguồn: Channel News Asia)