Chơi bài từng là thú tiêu khiển của các binh sĩ mỗi khi rảnh rỗi. Ảnh: Getty
Chơi bài từng được xem là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nơi chiến trường của binh sĩ trước đây. Nó là cách đơn giản nhất để "giết thời gian" và giải trí sau những giờ phút chiến đấu căng thẳng ở vùng chiến sự.
Theo trang War History Online, trong Thế chiến I, USPCC, một công ty sản xuất bài ở Mỹ, nhận thấy tầm quan trọng của bộ bài Tây và bắt đầu sản xuất số lượng lớn bài giá rẻ, hợp túi tiền của những binh sĩ sắp tới châu Âu để tham chiến ở Mặt trận phía Tây.
Kể từ đó, USPCC hợp tác với quân đội Mỹ nhưng "sự bắt tay" này chỉ lên một tầm cao mới khi quân đội Mỹ liên hệ với thương hiệu Bicycle của USPCC.
Trong Thế chiến II, các sĩ quan tình báo của phe Đồng minh đã liên hệ với thương hiệu Bicycle của USPCC để sản xuất bộ bài bí mật nhất trong lịch sử.
Tình báo Anh và Mỹ đã tận dụng Công ước Geneva (1949) là một phần trong kế hoạch liên quan tới bộ bài bí mật này. Theo công ước, các tù binh Đồng minh (POWs) ở các trại giam trên khắp nước Đức và các khu vực bị chiếm đóng ở châu Âu có quyền nhận thư và các gói hàng từ hội chữ thập đỏ, với điều kiện các gói hàng này không chứa bất kỳ loại vũ khí nào.
Quân Đồng minh nhận thấy đây là cơ hội để tuồn những thứ hữu ích giúp cho các tù binh có thể vượt ngục. Và thứ được dùng để qua mắt quân phát xít chính là bộ bài bí mật mà thương hiệu Bicycle hợp tác với quân đội Mỹ.
Bộ bài này thực chất là một bản đồ được ngụy trang cực kỳ khéo léo gồm các lối thoát an toàn, hướng đi, các lời khuyên hữu ích và thông tin, nhằm giúp tù nhân vượt ngục tới khu vực an toàn hoặc vượt biên sang một quốc gia trung lập.
Bản đồ lớn được tách nhỏ và in chìm giữa 2 lớp giấy ghép với nhau thành một lá bài. Khi tách đôi lá bài và ngâm xuống nước, một mảnh của bản đồ sẽ hiện ra. Sau khi có đủ các mảnh, tù nhân sẽ ghép lại thành bản đồ hoàn chỉnh và lựa thời cơ vượt ngục.
Hình ảnh về bộ bài đặc biệt có bản đồ bên trong từng được sử dụng trong Thế chiến II. Ảnh: PCD
Các bộ bài được đưa vào trại giam của phát xít trong dịp Giáng sinh thông qua các bưu kiện của hội chữ thập đỏ để tù nhân Đồng minh có thể giải trí khi rảnh rỗi. Chính vì điều này, các lính gác của phát xít không nghi ngờ. Ngay cả khi có xé lá bài ra kiểm tra, quân phát xít cũng khó có thể phát hiện vì bản đồ chỉ hiện ra khi nhúng lá bài vào nước.
Bộ bài đặc biệt đã giúp ít nhất 32 tù nhân Đồng minh trốn thoát khỏi trại giam Colditz và khuyến khích hơn 300 nỗ lực vượt ngục khác. Tới nay, không nhiều thông tin về bộ bài này được tiết lộ vì việc sử dụng chúng là vi phạm Công ước Geneva.
Chưa rõ còn bao nhiêu bộ bài đặc biệt (bản gốc) còn sót lại trên thế giới nhưng có 2 bộ được trưng bày tại Bảo tàng Gián điệp quốc tế ở thủ đô Washington D.C. của Mỹ.
"Bộ bài nhận diện"
Ngoài việc giúp giấu bản đồ bí mật, bộ bài còn có tác dụng giúp cho quá trình nhận diện trên chiến trường.
Khi tướng Sam Houston dẫn dắt Texas giành tự do trong trận chiến San Jacinto (1836) - trận đánh quyết định của cuộc cách mạng Texas nhằm thoát khỏi sự thống trị của Mexico, có những người Mexico chiến đấu cho cả 2 phía. Vậy làm thế nào để phân biệt được người Mexico đang sát cánh cùng quân đội Texas chiến đấu cho tự do và những người Mexico thuộc quân đội Mexico chiến đấu để giành quyền kiểm soát đất đai?
Giải pháp mà tướng Houston đưa ra là sử dụng các lá bài. Ông chỉ thị cho những người gốc Mexico trong hàng ngũ của mình đặt các lá bài lên mũ của họ để người Texas dễ phân biệt với lính Mexico.
"Bộ bài nhận diện" thiết bị nổ, bom mìn. Ảnh: PCD
Ngoài ra, nhiều bộ bài còn được thiết kế dưới dạng "bộ bài nhận diện", giúp binh sĩ và người dân xác định được vũ khí, đạn dược, bom mìn chưa nổ mà họ tình cờ gặp phải ở vùng chiến sự hoặc nơi từng là vùng chiến sự. Nhà sản xuất sẽ in lên lá bài hình ảnh và thông số của các loại vũ khí, bom mìn. Sau một thời gian sử dụng loại bài này, người chơi có thể nhớ được các loại bom mìn, vũ khí tương ứng được in trên các lá bài.
Chúng cũng giúp binh sĩ, người dân, phóng viên chiến trường, nhân viên cứu trợ xác định và tìm hiểu về mối đe dọa mà họ có thể phải đối mặt với vật liệu chưa nổ.
Những "bộ bài nhận diện" này tới nay vẫn còn hữu ích. Chúng thường được các cơ quan chính phủ và Liên Hợp Quốc mua để phân phát cho nhân viên và người dân địa phương. Các bộ bài này thực sự cứu sống được nhiều người.
"Bộ bài nhận diện" máy bay chiến đấu. Ảnh: PCD
Ngoài bộ bài nhận diện thiết bị nổ, một bộ bài khác cũng xuất hiện trong thời chiến đó là bộ bài nhận diện máy bay chiến đấu. Bộ bài này giúp các pháo thủ nhận diện, nhắm trúng vào máy bay địch và không bắn nhầm máy bay của đồng minh.
52 lá trong bộ bài là 52 loại máy bay chiến đấu khác nhau, nhưng chủ yếu là máy bay ném bom và chiến đấu của quân Đồng minh và các máy bay của phe Trục (Đức, Ý, Nhật). Mỗi lá bài là hình ảnh máy bay chiến đấu ở 3 góc độ: mặt trước, mặt bên và hình ảnh máy bay được nhìn từ dưới mặt đất.
Bên cạnh đó, một bộ bài khác cũng được thiết kế để nhận diện các tàu chiến của Mỹ và nước ngoài trong giai đoạn 1940 - 1960. Những bộ bài nhận dạng được sản xuất với mục đích kép: vừa giải trí và vừa giúp trang bị kiến thức. Các binh sĩ thường hay chơi bài mỗi khi rảnh rỗi và việc in hình các loại vũ khí, máy bay, tàu chiến lên đó chẳng khác gì việc giúp họ ôn bài mỗi ngày.
Các vụ án đang bế tắc được in trên lá bài phát cho các tù nhân. Ảnh: PCD
Một số bộ bài thậm chí còn có tác dụng khi giải quyết các vụ án "máu lạnh" đang gặp bế tắc. Thông tin chi tiết về các vụ án đang bế tắc, đối tượng tình nghi và nạn nhân được in lên các lá bài rồi phát cho các tù nhân ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ.
Nhiều người thắc mắc về độ hiệu quả của phương án này. Ít nhất 40 vụ án đang bế tắc đã được phá nhờ sáng kiến này.