Trong vài tuần qua, Việt Nam đã cung cấp thêm dữ liệu nhằm khẳng định cho Bộ Tài chính Mỹ việc không hạ giá VND. Việt Nam cũng đã cử đại diện gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 23/5, Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin hôm nay cho biết.
Hiện chưa rõ số liệu Việt Nam cung cấp thêm cho Mỹ là gì.
Sau cuộc gặp, ông Mnuchin đăng ảnh chụp cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lên Twitter cá nhân, cho biết họ đã trao đổi “về quan hệ kinh tế và thương mại”.
Theo nguồn tin trên, dựa trên những dữ liệu mới, Mỹ hiện chưa coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Quyết định này được coi là thắng lợi cho Việt Nam, quốc gia có nguy cơ nằm trong tầm ngắm của Mỹ trong bối cảnh Washington đang hạ thấp các tiêu chuẩn để kết luận các đối tác thương mại là thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo hai lần mỗi năm về ngoại tệ. Trong báo cáo gần đây nhất, số quốc gia cần theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ tăng từ 12 lên 20, sau khi cơ quan này điều chỉnh một trong ba tiêu chí dùng để đánh giá.
Trước đó, một trong những yếu tố khiến Bộ Tài chính Mỹ cần chú ý là thặng dư tài khoản vãng lai – chênh lệch giữa quy mô xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia – tương đương 3% GDP. Tiêu chuẩn này hiện giảm còn 2%.
Theo kế hoạch ban đầu, báo cáo sẽ được trình quốc hội Mỹ trong tháng 4. Ông Mnuchin đã nộp báo cáo hoàn chỉnh cho Nhà Trắng ký duyệt vào đầu tháng 4. Báo cáo sau đó bị trì hoãn và hiện chưa rõ ngày công bố.
Bộ Tài chính Mỹ chưa có bình luận.
Chính sách tiền tệ nổi lên là công cụ mới nhất của Tổng thống Trump nhằm gia tăng sức ép, từ đó thiết lập lại các quy tắc thương mại toàn cầu mà ông cho là gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng Mỹ.
Ông đã đưa vấn đề tiền tệ vào trong thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc. Dự kiến yếu tố này cũng sẽ nằm trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu hai bên đạt được.