Vượt mục tiêu
Theo Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam "chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu tăng trưởng năm 2022", vì kết quả tăng trưởng quý 2 tốt hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi trên diện rộng của "cường quốc xuất khẩu khu vực Đông Nam Á".
Bloomberg cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, vượt qua mục tiêu 6% - 6,5% của chính phủ. Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng 7,72% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó.
Con số này cao hơn so với ước tính trung bình về mức tăng 5,9% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế học, và là mức cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2013.
Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức rất cao trong 6 tháng tới vì mọi lĩnh vực đang phục hồi mạnh mẽ. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này sẽ là lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Kết quả tăng trưởng quý 2 đã giúp nâng mức tăng trưởng trong nửa đầu năm lên 6,42% so với 1 năm trước, vượt qua dự báo của Tổng cục Thống kê về tốc độ 5,5%. Bloomberg đánh giá, nền kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng và chính sách tiền tệ dễ dàng khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành một trong số ít ngân hàng trên thế giới không rơi vào vòng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Điều đó đã giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam - quốc gia Đông Nam Á vốn đang nổi lên như một điểm đến thay thế hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại bị gián đoạn do Trung Quốc phong tỏa chống dịch Covid-19, xung đột ở một số vùng trên thế giới cũng như căng thẳng kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý đến lạm phát. Giá tiêu dùng đã tăng trong năm nay, chạm mức 3,37% vào tháng 6, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho biết. Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát trung bình năm 2022 là 4%.
“Sự phục hồi kinh tế vẫn mạnh mẽ bất chấp những bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn nên cảnh giác trước rủi ro lạm phát liên quan đến tình trạng tăng giá nhiên liệu và nhập khẩu”, Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo tháng 6 về Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài
Với sự phát triển nhanh chóng, Việt Nam còn thu hút không ít tiềm năng đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam là hơn 1,3 tỷ USD. Fintech (Ngân hàng kỹ thuật số) là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất, với hai hợp đồng trị giá hơn 100 triệu USD mỗi hợp đồng. Nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho một trung tâm khởi nghiệp đang phát triển với ứng dụng công nghệ cao ở Đông Nam Á.
Nhờ sự cải thiện về chất lượng với sự hỗ trợ từ công nghệ, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện đang được chào đón tại các thị trường khó tính khác nhau, đặc biệt là Mỹ, EU và Australia.
Ông David John Whitehead đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) cho biết: "Người Australia rất cởi mở với nông sản Việt Nam, đồng nghĩa với việc cơ hội xuất khẩu nhiều nông sản của Việt Nam vào thị trường này là rất cao".
Nền kinh tế kỹ thuật số đã mở ra một con đường mới cho Việt Nam để phát triển kinh tế ở cả thị trường trong nước và toàn cầu.
Trong hành trình chống lại ảnh hưởng của COVID-19, nông dân Việt Nam đã tận dụng công nghệ kỹ thuật số để duy trì năng suất. Đến tháng 11/2021, một số nông trại đã vận hành nhà kính với hệ thống tưới nước tự động, hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ và độ ẩm, dây chuyền cho ăn tự động, thụ tinh nhân tạo, cũng như các chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động.
Điều này có thể dẫn đến chất lượng sản phẩm cao hơn, giảm ô nhiễm và tăng thu nhập cho nông dân. Với sự hỗ trợ của công nghệ, năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng 2,85% trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng 7,4 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.